Chủ động, tiết kiệm nguồn nước chống hạn cho cây trồng
Mùa khô đang ở thời kỳ khốc liệt nhất. Tình trạng khô hạn được các ngành chức năng dự báo là nghiêm trọng, khó lường; vì vậy, Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum đang tập trung triển khai các biện pháp quản lý nguồn nước tại hồ đập, chủ động điều tiết và thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn nhằm bảo vệ mùa màng, cây trồng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.
Hiện nay, Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum (gọi tắt là Ban quản lý) được phân cấp quản lý, vận hành, khai thác 178 công trình thủy lợi, gồm 73 hồ chứa, 98 đập dâng (1 đập làng Lung chưa bàn giao) và 7 trạm bơm điện trên địa bàn toàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, tổng diện tích hợp đồng tưới nước vụ đông xuân 2019-2020 là 10.653,9 ha, gồm 4.049,79ha lúa nước, 5.853,82 ha cây công nghiệp, 704,02 ha hoa màu và 46,30 ha ao cá.
Theo Ban quản lý, lượng mưa ít nên lượng nước từ các sông suối về hồ chứa, đập dâng ít. Năm ngoái, sau Tết Nguyên đán cũng có vài trận mưa trái mùa, nhưng năm nay, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có trận mưa nào, nên nguồn nước tại các hồ, đập càng thấp hơn.
Đến nay, có hồ chứa Đăk Loy (xã Đăk Cấm), hồ chứa Tân Điền (xã Đoàn Kết) đã cạn nước và công trình hồ chứa C19 (huyện Đăk Tô) có mực nước hồ thấp hơn cao trình đáy cống lấy nước. Ngoài ra, có 6/97 công trình đập dâng không duy trì được nguồn nước để phục vụ tưới như đập Đăk Xe (huyện Đăk Hà), đập Đăk Hlang, đập Đăk Wan, đập Đăk Ngao 1, đập Ba Rgốc (huyện Sa Thầy) và 35 công trình nguồn nước thấp hơn ngưỡng tràn.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý công trình (Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum) cho biết: Để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay, Ban quản lý chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp. Theo đó, ngay từ đầu vụ sản xuất, Ban quản lý tiến hành xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, phương pháp cấp nước phục vụ sản xuất cho các công trình thủy lợi và kế hoạch cấp nước sản xuất cụ thể cho từng khu vực, công trình. Từ đó, chủ động trong công tác điều tiết tưới nhằm hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước vào các tháng cuối vụ.
|
Ban quản lý cũng đã khuyến cáo địa phương và hộ dùng nước ở vùng có nguy cơ hạn hán triển khai sản xuất sớm, đồng loạt và có phương án chuyển đổi cây trồng để tránh thiệt hại. Ngay từ đầu vụ đông xuân 2019-2020, Ban quản lý tổ chức triển khai nạo vét, phát dọn khơi thông dòng chảy cho tất cả các hệ thống kênh mương; sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất cho nhân dân; tiến hành bảo dưỡng sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành, các máy bơm dự phòng để đảm bảo chủ động trong công tác điều tiết phục vụ tưới và bơm nước khi có hạn xảy ra; vận động nhân dân tại một số công trình có khả năng xảy ra hạn tổ chức sản xuất sớm để tận dụng nguồn nước còn nhiều tại thời điểm cuối mùa mưa.
Ngoài ra, Ban quản lý chỉ đạo các trạm quản lý thủy nông cử nhân viên quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các cống lấy nước đầu kênh, không để rò rỉ lãng phí nước; phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị dùng nước, các hộ dùng nước tổ chức thực hiện tưới luân phiên để tiết kiệm ngay từ đầu vụ. Đồng thời, thường xuyên quan sát mực nước hồ, kiểm tra dung tích đã sử dụng và dung tích còn lại trong hồ để có giải pháp xử lý điều chỉnh nước tưới cho phù hợp với thực tế sản xuất.
Để tăng thêm nguồn nước phục vụ cho chống hạn, ngay từ cuối mùa mưa năm 2019, Ban quản lý tổ chức rà soát tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và đề ra biện pháp gia tăng khả năng tích trữ nước; chỉ đạo các trạm thủy nông dùng bao tải đất chèn ván gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ trong phạm vi cho phép để tăng dung tích nước của hồ, phục vụ chống hạn vào cuối vụ khi thời tiết nắng nóng kéo dài và đã có 14 công trình nâng dung tích trữ thêm 1.259.871 m3 nước. Ban quản lý cũng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm và hướng dẫn cho nhân dân các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.
Mặc dù Ban quản lý có nhiều nỗ lực trong việc điều tiết nguồn nước, gia cố nâng công suất tích trữ nguồn nước các hồ đập, nhưng do nắng hạn kéo dài nên hiện một số công trình hồ đập đã cạn nước, bắt đầu xảy ra tình trạng hạn hán ở một số nơi.
Theo thống kê của Ban quản lý, đến nay, đã có 82,3 ha lúa của 8 công trình tại huyện Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum xảy ra hạn hán. Ban quản lý đã tiến hành các biện pháp chống hạn cho 75ha của 2 hồ chứa chứa Đăk Loy (xã Đăk Cấm) và hồ chứa Tân Điền (xã Đoàn Kết), như lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp từ sông Đăk Bla vào kênh mương và lắp đặt bơm truyền lên các chân ruộng cao để chống hạn cho cây lúa. Riêng 7,3ha lúa (chủ yếu ở Sa Thầy) thuộc các đập dâng nhỏ không có nguồn nước để bơm tưới, do nước từ đầu nguồn không có, nước ở các khe suối cũng cạn.
Đối với các trạm bơm, hiện tại, có 1,5 ha lúa của trạm bơm Đăk Lếch (xã Ngọc Bay) thiếu nước do mực nước sông Đăk Bla xuống thấp hơn cao trình đáy bể hút 0,1m, các máy bơm treo hoàn toàn. Ban quản lý tiến hành lắp đặt 1 máy bơm điện, bơm nước trực tiếp từ sông Đăk Bla để phục vụ tưới sản xuất, các trạm bơm còn lại mực nước bể hút hạ thấp rất nhiều nhưng tạm thời vẫn đủ để bơm tưới.
Hiện nay, thảm phủ thực vật đầu nguồn của các công trình thủy lợi trên địa bàn suy giảm nên không giữ được lượng nước ngầm trên lưu vực để cung cấp cho hồ chứa. Tình trạng người dân trồng cây công nghiệp dọc theo sườn dốc của suối đầu nguồn, khi có mưa lượng bùn cát đổ về nhiều làm bồi lấp lòng hồ gây khó khăn cho công tác tích trữ, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Thêm vào đó, hiện nay, đa số các địa phương của tỉnh chưa thành lập tổ hợp tác dùng nước nên việc phối hợp với các trạm quản lý thủy nông trên địa bàn trong việc điều tiết, phân phối nước chưa được kịp thời. Mặt khác, khi lấy nước tưới cho cây trồng, người dân đã tự ý đắp chặn dòng chảy, đục phá kênh mương làm thất thoát nước, gieo sạ rải rác không tập trung, gây khó khăn cho đơn vị trong công tác vận hành điều tiết phục vụ tưới. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, nay đã bị hư hỏng xuống cấp, lòng hồ bị bồi lấp nhiều, hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ… Đó chính là những nguyên nhân chính làm cho việc bảo đảm nước tưới cho cây trồng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn
Cụ thể như công trình hồ chứa C19 (xã Diên Bình) có tổng diện tích thiết kế là 17,7 ha (9,53 ha lúa và 8,17 ha cây công nghiệp) nhưng hiện tại công trình đang phục vụ cho 50 ha diện tích cây trồng các loại, vượt gần 3 lần so với công suất. Hay như ở công trình hồ chứa Đăk Xít 1 có diện tích thiết kế phục vụ 90 ha (30 ha lúa và 60 ha cây công nghiệp), trong khi đó diện tích ký hợp đồng vụ Đông xuân 2017-2018 là 102,4ha (26,8 ha lúa và 75,6 ha cây công nghiệp), vượt thiết kế 12,4 ha nên công trình không đủ tưới phục vụ sản xuất. Vụ đông xuân đã xảy ra tình trạng thiếu nước và phải sử dụng cả phần dung tích chết của công trình.
Để chống hạn một cách hiệu quả, ngoài sự điều tiết hợp lý của Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum thì chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hộ dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Đồng thời, phối hợp huy động lực lượng nạo vét kênh mương nội đồng và không nên mở rộng diện tích cây trồng tại những nơi có khả năng xảy ra hạn hán…
Phúc Nguyên