Chủ động nghiên cứu, chọn tạo nguồn giống có chất lượng
Việc nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp. Bởi vậy, công tác nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng mới được tỉnh ta thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.
Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm bộ giống rau, hoa, dược liệu, các loại nấm. Qua đó, các ngành chức năng đã chọn lọc được nhiều loại giống cây có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái của tỉnh để đưa vào phục vụ sản xuất và bổ sung vào cơ cấu giống hàng năm của tỉnh.
Theo đó, đối với cây ngắn ngày, ngành Khoa học và Công nghệ và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo nghiệm và chọn được nhiều loại giống rau, quả như đậu Hà Lan, ớt chuông, các giống cà chua bi, dưa baby, chuối, khoai tây...; các giống hoa như hoa đồng tiền, hoa cúc, lan hồ điệp, các giống lan rừng, địa lan. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học, Công nghệ còn tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống In Vitro và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại giống cây hoa, dược liệu…và đã chủ động được nguồn giống hoa có chất lượng cao không chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất hoa tại tỉnh ta mà còn cung ứng được cho một số tỉnh lân cận.
Lúa, bắp, mì là những loại cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tuyển chọn và đưa vào canh tác nhiều loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn làm chủ được quy trình, công nghệ nhân giống để chủ động nguốn giống, đưa vào sản xuất đại trà… Nhờ vậy, các loại giống mới ngày càng được trồng phổ biến trên diện rộng, góp phần mang lại thu nhập cao cho nông dân.
|
Nhằm khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương trên địa bàn tỉnh, mấy năm gần đây, các đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chọn lọc và xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm một số giống cây dược liệu phù hợp. Bước đầu các ngành chức năng đã tuyển chọn được một số giống cây dược liệu như đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân, mật nhân, lan kim tuyến, nấm dược liệu… để tiến hành chuyển giao và ứng dụng trong sản xuất nhằm thu hút đầu tư, góp phần xây dựng vùng trồng dược liệu phục vụ cho sản xuất các loại sản phẩm bổ dưỡng, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu, ngành chức năng cũng tích cực nghiên cứu, đưa vào ứng dụng nhiều loại giống cây công nghiệp, nhất là cây cà phê có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.
Theo đó, sau một quá trình triển khai trồng thử nghiệm giống cây cà phê chè tại một số địa bàn nằm ở vùng Đông Trường Sơn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định được 2 giống cà phê chè TN2 và F5TN1 có năng suất cao hơn giống cà phê catimor cũ khoảng 1,5 – 2 tấn cà phê nhân/ha. Giống cà phê vối TR4, TR5, TR9,TR10 với năng suất cao hơn so với các giống cũ khoảng 1 - 1,5 tấn nhân/ha… cũng được chọn để đưa vào chương trình tái canh và cải tạo vườn cà phê. Các giống cà phê đang từng bước được nông dân sử dụng để thay thế cho các giống cũ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp…
Thực tế đã chứng minh, các loại giống cây trồng được ngành chức năng chọn tạo để đưa vào sản xuất đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương. Qua đó, tạo động lực cho các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất các loại giống mới có chất lượng, để góp phần thực hiện mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, trên cơ sở hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị sản xuất, người nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều mô hình công nghệ cao như tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, tưới tiết kiệm, sử dụng máy gieo hạt giống, nhân giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô…Đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý các phụ phẩm hữu cơ làm phân bón, cải tạo đất… Từ đó, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, mở ra hướng đi phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Có thể nói, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn tạo giống cây trồng thời gian qua thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, có những đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh ta.
Thiên Hương