Cánh đồng lớn
Xây dựng cánh đồng lớn thông qua dồn đổi, tích tụ ruộng đất được đánh giá là hướng đi tất yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Nhưng thực tế 5 năm qua cho thấy, việc triển khai không mấy suôn sẻ, nên cánh đồng lớn chưa thực sự lớn.
Từ năm 2017, tỉnh ta bắt đầu thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo một nền nông nghiệp sản lượng cao, bền vững dựa trên tích tụ đất đai để hình thành cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Đây là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ giới hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp. Vì vậy, ngày 17/2/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 366-KL/TU về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn.
Ngày 13/3/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 176/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.
|
Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 các địa phương cơ bản hoàn thành việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp. Có 15% diện tích canh tác (khoảng 1.500ha đất trồng lúa, 15.000ha trồng mì, 1.000ha hoa màu khác) sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”.
Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc để triển khai. Công tác tuyên truyền, giải thích, vận động người dân cũng được đẩy mạnh. Vì vậy, ở nhiều nơi, bà con nông dân có thể hiểu được những lợi ích mà cánh đồng lớn đem lại.
Một lão nông ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum có thể nói vanh vách, khi tôi lân la hỏi chuyện. Cánh đồng lớn à, tốt quá đi chứ. Tôi không nói được như cán bộ xã, nhưng tôi hiểu đơn giản thế này, cánh đồng lớn sẽ khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành sản xuất lớn; làm đất, gieo trồng, chăm sóc đồng bộ, không còn mạnh ai nấy làm.
Nhưng theo báo cáo mới nhất tại Hội thảo khoa học về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” (do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Kon Rẫy tổ chức cuối tháng 9/2022), thì toàn tỉnh mới thực hiện dồn đổi, tích tụ được 394ha để xây dựng “cánh đồng lớn”. Cả tỉnh có 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia.
|
So với tổng diện tích gieo trồng hiện có trên 189.000ha, diện tích đất được dồn đổi để xây dựng cánh đồng lớn nói trên còn hết sức khiêm tốn
Huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương đặc biệt quan tâm đến xây dựng cánh đồng lớn. Trên thực tế, trong số 5/10 huyện, thành phố của tỉnh đã thực hiện mô hình này, Kon Rẫy là địa phương có diện tích lớn nhất, nhưng cũng chỉ đạt hơn 239ha.
Ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy chia sẻ rằng, vấn đề dồn đổi, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn đang gặp phải những trở ngại nhất định. Như quỹ đất manh mún, nhỏ lẻ; chính quyền cơ sở còn lúng túng, bị động trong triển khai; người dân còn tâm lý sợ mất quyền sử dụng đất.
Một vấn đề nữa là việc tích tụ đất đai mới dừng lại ở việc liên kết sản xuất, chưa thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng tạo thành vùng đất liên hoàn để sản xuất quy mô lớn.
Trong khi đó, tiêu chí “cánh đồng lớn” rất rõ ràng, đó là phải được quy hoạch gọn vùng, bền vững, có hệ thống giao thông, thủy lợi và cung cấp điện nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu cho sản xuất hợp lý trong năm. Thực hiện 3 cùng, là cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh.
Ông Phó Chủ tịch huyện có nhiều năm lăn lộn ở cơ sở, nên là người yêu ruộng đồng và nặng nợ với nông dân. Đến nay vẫn đau đáu làm thế nào để thúc đẩy hình thành cánh đồng lớn từ những thửa ruộng bé tý tẹo kia.
Tại các hội nghị, các buổi họp, hầu hết đều có mời báo chí, các sở ngành liên quan và chính quyền các địa phương vẫn khẳng định đang nỗ lực “dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn”.
Nhưng ở các cánh đồng vẫn diễn ra một khung cảnh quen thuộc. Đó là trên những thửa ruộng nhỏ lẻ, người dân trồng các loại cây khác nhau theo ý thích và cách nhìn nhận thị trường của mình.
Vừa qua, tôi về xã Đăk Ruồng , huyện Kon Rẫy, gặp vài lão nông và cùng trò chuyện về cánh đồng của họ.
Cánh đồng ấy, như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, mỗi nhà có vài thửa, giữa các thửa có bờ cao, bờ thấp. Vì canh tác nhỏ lẻ manh mún, giá trị thấp, không có liên kết doanh nghiệp.
Nhưng sẽ không dễ để họ đổi mấy trăm mét vuông đất màu mỡ và đi lại thuận lợi để lấy diện tích đất ở xa hơn.
Và nhiều người trong số họ vẫn lo lắng khi dồn đổi, tích tụ ruộng đất, hoặc cho doanh nghiệp thuê làm cánh đồng lớn, sẽ mất đất.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương còn thực hiện theo phong trào; thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác dồn điền đổi thửa nên chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Không nghi ngờ gì nữa, dồn đổi, tích tụ ruộng đất là yêu cầu đầu tiên để hình thành cánh đồng lớn. Không thể có cánh đồng rộng hàng chục héc ta nếu như không thực hiện thành công dồn đổi, tích tụ ruộng đất- ông Phạm Đức Hạnh, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường từng phát biểu như vậy.
Đó là một ý kiến hết sức xác đáng. Ai cũng thấy vậy.
|
Mấu chốt là tích tụ ruộng đất một cách bền vững, là nền tảng và động lực đưa người nông dân cùng ruộng đất đi về phía trước với cuộc sống sung túc hơn, để không bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những hộ nông dân nghèo, hộ DTTS.
Muốn như vậy, trước hết và trên hết, cần tuân thủ yêu cầu cơ bản của việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất là nông dân được bàn bạc dân chủ, từ đó tự nguyện tham gia và đảm bảo quyền lợi, hoàn toàn tự giác và chủ động trong việc thực hiện “cánh đồng lớn”.
Đồng thời tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện; trang bị cho nông dân khả năng đáp ứng các yêu cầu thực hiện các khâu sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Hồng Lam