Cần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình giảm nghèo
Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022” (Chương trình giảm nghèo bền vững). Mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững được tiếp cận theo hướng “đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo” nhằm góp phần thúc đẩy thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế- xã hội ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; tạo ra sinh kế giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh được Trung ương giao năm 2022 là 265,917 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển 213,436 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 52,481 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ cụ thể như sau: Dự án 1, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội các huyện nghèo 196,583 tỷ đồng. Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo 15,456 tỷ đồng. Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (tiểu dự án 1, hỗ trợ phát triển sản xuất) 6,686 tỷ đồng. Dự án 4, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững 41,518 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 22,417 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 19,101 tỷ đồng. Dự án 6, truyền thông và giảm nghèo về thông tin 874 triệu đồng. Dự án 7, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình 4,800 tỷ đồng.
Năm 2022, vốn ngân sách địa phương (vốn đối ứng, lồng ghép) 32,497 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 21,344 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 11,495 tỷ đồng. Hiện nay, 10/10 huyện, thành phố đã thực hiện phân bổ kinh phí cụ thể cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện theo quy định.
|
Năm 2022, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai công tác đào tạo các bậc giáo dục nghề nghiệp được 2.955 người, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.062 học viên (đạt 62,5% kế hoạch); tổng số lao động được tạo việc làm là 6.858/5.800, đạt 118,2% kế hoạch; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) xuống còn 18,8%, thể thấp còi (chiều cao/tuổi) xuống còn 32,7%; tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
Theo đánh giá của các ngành chức năng và các huyện, thành phố, trong năm 2022, việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về triển khai Chương trình chưa kịp thời; Trung ương giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm so với thời hạn lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong cân đối, xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án do một số đơn vị cấp tỉnh quản lý thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững còn chậm tiến độ. Đến nay, chỉ mới phê duyệt đầu tư 1/2 dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum do Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum làm chủ đầu tư). Chưa phê duyệt chủ trương đầu tư Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững vì Tiểu dự án này được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn (Văn bản số 3617/LĐTBXH-VL ngày 19/9/2022) nhưng nội dung chưa cụ thể và đảm bảo tính thống nhất nên gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
Mặt khác, năm 2022 chưa được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, dự án 4 (về cải thiện dinh dưỡng) và dự án 5 (về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo). Đối với Tiểu dự án 3 (hỗ trợ việc làm bền vững thuộc dự án 4), hạng mục vốn đầu tư phát triển, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện vốn đầu tư phát triển, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể; hơn nữa các phần mềm cũng chưa hoàn thiện để chuyển giao cho các tỉnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng danh mục đầu tư mua sắm trang thiết bị (phần cứng) trong năm 2022.
Trước những vướng mắc nêu trên, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH ngày 22/11/2022, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đến 31/12/2023 để đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được bố trí (do Trung ương giao kế hoạch vốn năm 2022 thời điểm gần cuối năm với nguồn lực khá lớn, một số nội dung dự án hỗ trợ sản xuất hết thời vụ, triển khai các dự án đầu tư vào mùa mưa bão gặp khó khăn, nên khả năng giải ngân kế hoạch vốn gặp khó khăn); bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, dự án 4 (về cải thiện dinh dưỡng) và dự án 5 (về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo) cho tỉnh Kon Tum đảm bảo theo dự kiến phương án phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình; có hướng dẫn cụ thể đối với các tiểu dự án của dự án 4 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện (tiểu dự án 1, hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn sự nghiệp); tiểu dự án 3, hỗ trợ việc làm bền vững (vốn đầu tư)).
Quang Định