Bội thu từ vườn cây hữu cơ
Làm nông nghiệp hơn 20 năm, nhưng đến bây giờ, sau 4 năm trồng đa cây theo hướng hữu cơ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nền (thôn 2, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) mới thấy, con đường mình chọn là đúng. 2,5ha với 17 loại cây trồng giúp vợ chồng bà thu được 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Trong khu vườn với nhiều loại cây như cà phê, mít, sầu riêng, cam, quýt, me, mãng cầu, vú sữa, chôm chôm, nhãn, 10 nhân công đang tất bật làm việc. Người làm cỏ, người treo các dụng cụ bẫy ruồi vàng, bắt sâu, người ủ phân, người cắt tỉa.
Dẫn khách tham quan vườn, bà Nguyễn Thị Nền – chủ vườn nói rằng, vì làm hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên việc làm vườn sẽ tốn nhân công hơn. 4 năm nay, mỗi ngày bình quân đều có 10 người làm. Nhưng đổi lại, với sự khác biệt trong quá trình làm đã mang đến các sản phẩm chất lượng, ngon, an toàn cho người sử dụng.
4 năm trước, khi mua 2,5ha cà phê nhưng thấy không hiệu quả, vợ chồng bà suy nghĩ rồi chuyển sang trồng đa cây theo lối hữu cơ. Bà làm hồ lấy nước tưới tiêu, sẵn tiện nuôi cá để cải thiện bữa ăn. Có nước tưới, bà chọn mua giống cây chất lượng, phân bổ trồng phù hợp, xen trong vườn cây cà phê.
|
Vợ chồng bà bàn tính, trồng đa cây trên cùng một diện tích để có nhiều lợi ích. Một phần, phòng khi loại quả này mất giá sẽ có loại quả khác bù vào, tránh tình trạng bán tháo bán đổ. Cùng với đó, việc trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả, để mùa nào, có thức nấy, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Xác định làm hữu cơ, học hỏi từ nhiều kênh, vợ chồng bà bắt đầu ủ phân chuồng, vỏ cà phê, làm phân cá để bón cho cây. Đồng thời ngâm các loại tỏi, ớt, gừng, rượu thành từng thùng để phòng sâu, nấm, côn trùng. Tìm hiểu, bà mua thêm các dụng cụ bẫy ruồi vàng để bảo vệ quả. Riêng về khâu làm cỏ, các nhân công đều làm thủ công bằng cuốc.
“So với việc sử dụng các loại thuốc hóa học có sẵn, làm hữu cơ, tốn thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, qua quá trình làm, thấy đất rất tốt, cây ăn quả phát triển và trái trĩu cành” – dẫn khách đi thăm vườn, bà Nền so sánh.
Sau thời gian chăm sóc, một số loại cây ăn quả đã cho thu hoạch. Bà Nền không giỏi quảng cáo cũng không hiểu nhiều về marketing. Song, nhờ vào chất lượng, hữu xạ tự nhiên hương, vườn trái cây của bà đã được nhiều người ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh biết đến.
|
Hàng ngày, có nhiều người từ các huyện khác, thành phố Kon Tum ghé đến vườn tham quan và mua trái cây. Họ ưa thích và mua nhiều vì các sản phẩm sạch, an toàn, quả lại ngon, đậm vị. Đặc biệt, mấy năm nay, các sản phẩm quýt, cam, bưởi, bơ của gia đình bà được siêu thị Coopmart đặt mua gần 20 tấn/năm.
“Hiện tại, tôi đang ký hợp đồng cung ứng sản phẩm hàng năm với siêu thị Coopmart. Siêu thị quy định nghiêm ngặt về chất lượng cũng như kiểm nghiệm sản phẩm liên tục. Nhưng tôi không lo ngại, bởi, ngay từ đầu tôi đã xác định tạo ra sản phẩm hữu cơ. Về mẫu mã, các loại quả sẽ không bóng mượt như khi sử dụng các loại thuốc hóa học, bảo vệ thực vật, nhưng khi ăn, sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Bởi thế, khi sản phẩm người ta bán chỉ được 10.000đồng/kg, thì sản phẩm hữu cơ có thể bán được 20.000-30.000 đồng/kg”- bà Nền nói.
Chăm sóc, phòng sâu bệnh kỹ càng, hàng năm, vườn trái cây mang lại cho bà nhiều niềm vui. Vui vì thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vui hơn khi quýt, cam, bơ đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Và đặc biệt, bà tạo việc làm ổn định cho nhiều nhân công. “Hiện tại, vườn trái cây chỉ đủ cung ứng trong tỉnh, chưa có đủ số lượng để cung ứng ra các tỉnh, thành khác. Tôi cũng đang xem xét, nghiên cứu, nếu cây cà phê không hiệu quả, tôi sẽ chuyển hướng trồng các loại khác mang lại kinh tế cao hơn” – bà Nền chia sẻ.
Hoài Tiến