Biến rác thải thành... tiền
Từ tháng 1/2018, với nguồn rác thải sinh hoạt tưởng như không còn giá trị gì, Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum đã "hô biến" thành hạt nhựa và phân bón, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn giảm dần và tiến tới loại bỏ áp lực rác thải lên môi trường...
Những chiếc xe chuyên dụng của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum vẫn cần mẫn ngược xuôi trên các tuyến đường, thu gom và vận chuyển khoảng 70 tấn rác/ngày thẳng hướng bãi rác. Nhưng khác với trước đây, chúng không ra bãi chôn lấp mà chạy thẳng vào một khu vực được xây tường cao bao quanh...
Không chỉ vậy, một chiếc máy đào và vài chiếc xe tải cũng đang đào và vận chuyển rác từ bãi chôn lấp vào bên trong, bãi chôn lấp vốn cao như núi, nay đã vơi bớt đi non nửa.
|
Bên trong bức tường cao ấy là khu nhà xưởng rộng và hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất đang rầm rập hoạt động dưới sự vận hành của hàng chục công nhân. Ấy là Nhà máy xử lý và tái chế rác thải đầu tiên ở tỉnh Kon Tum của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum, mới đi vào hoạt động.
Thật lạ là tôi lại có cảm giác về sự ngăn nắp, trật tự và ít... mùi hôi trong một... nhà máy rác.
Còn nhớ cách đây không lâu, đứng nhìn những xe rác nặng nề chạy qua khu đất dự án (còn chưa được xây dựng do thiếu vốn) đi vào bãi đổ, ông Nguyễn Văn Nghinh- Phó Giám đốc công ty TNHH Song Nguyên than thở: Nhìn mà tiếc, lãng phí quá đi mất.
"Tiền cả đấy chứ, vậy mà chỉ có thể nhìn đem đổ ra bãi chôn lấp. Chỉ tiếc vấn đề kinh phí gặp khó khăn, nếu không dự án của tớ mà xong rồi thì không lãng phí như vậy"- ông nói.
Thật lòng, hôm ấy nghe ông Nghinh nói vậy, tôi đã ngạc nhiên nhìn ông. Lãng phí? Từ khi nào mà ở thành phố Kon Tum này, việc chôn lấp rác thải trở thành lãng phí?
Cách đây 7 năm, 1 công trình tái chế rác thải cũng từng được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng mang tên Xưởng sản xuất phân hữu cơ. Với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra khoảng 300kg – 500 kg phân bón hữu cơ, xưởng được kỳ vọng góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sống. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà công trình ý nghĩa này đành "đắp chiếu", chỉ sau 3 năm vận hành, để lại sự tiếc nuối cho những ai quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải.
Hôm nay nhìn thấy dự án đi vào hoạt động mới thấy mình có chút... thiển cận. Đấy, tâm lý chung của ta là vậy, cứ nghĩ đã là rác thỉ chỉ có vứt, có đốt, có chôn lấp mà thôi. Rác mà.
Được khởi công tháng 12/2015, theo kế hoạch, nhà máy đi vào hoạt động trong quý I/2017, nhưng do nhiều khó khăn, (chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính) nên mất 2 năm ì ạch. "Hồi ấy, cũng đã từng có nhiều người nghi ngờ về tính thực tế của dự án. Ai đâu tự nhiên bỏ cả nghìn tỷ làm nhà máy rác, người ta nói vậy"- ông Nghinh kể.
Nhưng rất may mắn là chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể của chính quyền và các ngành chức năng nên mới quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện dự án đến cùng. Sự quan tâm ấy cũng cho thấy, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để giảm áp lực của rác thải lên môi trường sống- ông Nguyễn Văn Nghinh nhận định. Gần 1 năm trước, bản thân người viết cũng đã vô cùng lo lắng sau khi chứng kiến bãi rác lớn nhất, "chính quy" nhất tỉnh Kon Tum đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, trong khi dự án nhà máy xử lý, tái chế rác thải có quy mô nghìn tỷ vẫn là một bãi đất trống, mọc đầy cỏ dại, che khuất khung nhà lợp tôn và vài ba cỗ máy hoen gỉ.
Vượt qua nhiều khó khăn, bắt đầu từ tháng 1/2018, nhà máy đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với mức đầu tư 97 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 37 tỷ, còn lại là vốn vay. Khu nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đều được đầu tư khá hiện đại.
Hoạt động của nhà máy được thực hiện theo quy trình: rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Kon Tum, rác thải không nguy hại khác của các cơ sở y tế, công sở, khu công nghiệp... do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum thu gom về sẽ được nhà máy tiếp nhận (với giá 50.000 đồng/xe), sau đó đưa vào dây chuyền phân loại.
Rác có thể tái chế, như túi nilon, nhựa... chẳng hạn, sẽ được chuyển qua dây chuyền tái chế, cho ra sản phẩm là hạt nhựa. Rác hữu cơ được đưa sang dây chuyền nghiền, trộn sau đó ủ làm phân bón; rác không thể tái sử dụng cũng sẽ được xử lý theo quy trình riêng. Hiện nay, sản phẩm hạt nhựa và phân bón hữu cơ đã được khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm đến thu mua.
Và thế là, từ nguồn rác thải sinh hoạt tưởng như không còn giá trị gì, Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum đã "hô biến" thành hạt nhựa và phân bón, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn giảm dần và tiến tới loại bỏ áp lực rác thải lên môi trường...
Do mới đi vào hoạt động giai đoạn 1 nên chúng tôi chưa tính đến giá trị kinh tế đem lại từ hạt nhựa và phân bón hữu cơ (tất nhiên là phải có lợi nhuận), nhưng giá trị về mặt xã hội đã thấy rõ. Lượng rác hàng ngày lẽ ra được đổ thẳng ra bãi chôn lấp thì nay đưa vào nhà máy, đồng thời chúng tôi cũng đang tiếp nhận dần rác tồn đọng ở bãi từ trước đến nay- ông Nghinh cho biết.
|
Về lâu dài, nhà máy sẽ được mở rộng quy mô, nâng cao công suất để tiếp nhận, xử lý thêm chất thải rắn ở khu vực thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), khu vực Đăk Ruồng - Tân Lập (huyện Kon Rẫy).
Hiện nay doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đầu tư, xây dựng các hạng mục khác của nhà máy trong giai đoạn II, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hồng Lam