Bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh lan rộng, Bí thư Tỉnh ủy "truy" trách nhiệm
Bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh hiện đã lan rộng, gây thiệt hại rất lớn về về kinh tế, đặc biệt đối với các hộ DTTS nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước thiệt hại của người dân, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI (tổ chức ngày 6/7/2022), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đã "truy" trách nhiệm đối với ngành chức năng.
Thông tin từ hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông cho thấy, đến thời điểm này đã có khoảng 50.000 cây sâm Ngọc Linh bị bệnh hại. Trong đó, số lượng cây sâm bị bệnh hại tại huyện Đăk Glei là hơn 10.000 cây và huyện Tu Mơ Rông hơn 39.000 cây.
|
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang, thiệt hại về kinh tế là rất lớn, đặc biệt đối với các hộ DTTS nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Giá trị đầu tư cho một cây sâm Ngọc Linh lớn mà vùng trồng chủ yếu là vùng đồng bào DTTS nghèo. Đồng bào DTTS có tiền thì mua trồng, không có tiền thì vay 50 triệu đồng, 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng. Bây giờ không may dịch bệnh, mà dịch bệnh kiểu này là mất trắng luôn, phá sản đấy. Sâm chết thì người dân chịu thiệt, còn tinh thần trách nhiệm của ta, lương tâm của ta mà Đảng giao nhiệm vụ thì như thế nào?”- đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Trước tình trạng bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh lan rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và việc phát triển cây dược liệu đặc hữu quý này của tỉnh, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đặt câu hỏi: Từ khi xuất hiện bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh đến bây giờ hậu quả như thế nào? Chỉ đạo khắc phục hậu quả giúp dân như thế nào? Từ nay trở đi sâm Ngọc Linh của dân còn chết nữa hay không? Và “truy” trách nhiệm đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Liêm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nảy sinh bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh do diễn biến thời tiết bất thường, đầu năm mưa nhiều độ ẩm cao; dịch bệnh xuất hiện chủ yếu trong vườn ươm, nấm phát sinh nhanh trở tay không kịp; đơn vị đã có sự chủ động trong vấn đề xử lý dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh.
“Chúng tôi đã xác định được do 2 loại nấm gây ra bệnh làm cho cây bị chết. Đối chiếu với kết quả của đề tài nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm Ngọc Linh của Sở Khoa học và Công nghệ công bố thì xác định rằng vườn bị nhiễm bệnh chết rạp là chủ yếu, ngoài ra có một số cây bị nhiễm bệnh thán thư và cổ rễ. Sở cũng đã có khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật gửi các huyện để huyện gửi các xã hướng dẫn người trồng sâm thực hiện”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Liêm cho hay.
Không hoàn toàn đồng ý với các nội dung giải trình của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang khẳng định: Đã có người, có nơi còn thờ ơ, vô trách nhiệm trước thiệt hại của người trồng sâm Ngọc Linh dẫn đến bệnh hại lan rộng gây thiệt hại lớn.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các đơn vị, doanh nghiệp trồng sâm, hiện có 1.165 hộ dân, 30 nhóm hộ, chủ yếu là đồng bào DTTS ở hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei trồng sâm Ngọc Linh, với khoảng 1 triệu 580 nghìn cây sâm, tương đương 158ha.
|
Hiện trên thị trường mỗi cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi có giá bán khoảng 300 nghìn đồng và cây từ 3 năm tuổi trở lên là hàng triệu đồng. Việc bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh lan rộng đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đặc biệt đối với các hộ DTTS nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh.
Khoa Điềm