Băn khoăn vì giá nước tăng
Đầu năm 2020, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum thực hiện điều chỉnh, tăng giá nước theo biểu giá bậc thang (giá lũy tiến). Điều này đã khiến nhiều khách hàng của Công ty băn khoăn.
Nhiều thắc mắc
Đầu năm 2020, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum thực hiện điều chỉnh, tăng giá nước theo biểu giá bậc thang (giá lũy tiến). Theo đó, nước sinh hoạt các hộ dân cư được tính theo 4 mức.
Mức 1: từ 1m3 -10m3 đầu tiên được tính với giá 6.381 đồng/m3; mức 2: từ trên 10m3 – 20m3 được tính với giá 7.900 đồng/m3; mức 3: từ trên 20m3 – 30m3 được tính với giá 9.800 đồng/m3; mức 4: từ trên 30m3 được tính với giá 14.700 đồng/m3.
Việc điều chỉnh giá nước theo biểu giá bậc thang đã khiến giá nước sinh hoạt của nhiều hộ dân tại thành phố tăng cao. Ông Nguyễn Văn Đẩu - tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Trường Chinh cho biết: “Trước đây, mỗi tháng gia đình tôi phải trả khoảng 80.000-100.000 đồng tiền nước nhưng tháng vừa rồi phải trả gần 200.000 đồng, tăng gấp đôi. Vì vật giá leo thang, việc tăng giá nước là điều thiết yếu. Tuy nhiên, công ty nên điều chỉnh mức 1 tăng lên 20m3 cho hợp lý. Vì 1 hộ gia đình 4 người, dù tiết kiệm cũng không thể sử dụng dưới 10m3 nước/tháng được”.
Ông Đẩu còn cho biết, bản thân ông không biết về việc tăng giá nước. “Là tổ trưởng tổ dân phố nhưng tôi không hề biết về việc tăng giá nước sinh hoạt để thông báo cho người dân trong khu dân cư. Lẽ ra trước khi tăng giá phải thông báo rộng rãi để người tiêu thụ linh hoạt, tiết kiệm, tránh ngỡ ngàng” – ông Đẩu nói.
Ông Hà Xuân Lược ở tổ dân phố 11, phường Thống Nhất cũng tỏ ra lo lắng khi giá nước tăng. “Theo giá điều chỉnh, gia đình tôi phải trả gấp 2-3 lần so với giá cũ. Người tiêu dùng phải tự đóng các khoản lắp đặt cả đường ống chính đến đường ống phụ, vì vậy, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum nên điều chỉnh, không nên tính giá nước theo giá bậc thang” – ông Lược bày tỏ.
Trước thực trạng giá nước tăng, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều hộ gia đình đã quay lại dùng nước giếng. Như ông Lược, sau khi thấy giá nước tăng, đã bỏ hơn 4 triệu đồng lắp đặt lại hệ thống nước trong gia đình. Trong đó, nước sạch chỉ sử dụng cho việc ăn uống, còn tắm, giặt... đều sử dụng từ nước giếng của gia đình.
Hay ông Nguyễn Văn Thực (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cũng phải sử dụng thêm giếng khoan trong sinh hoạt.
Ngoài việc tiền nước tăng, người dân còn thắc mắc xung quanh việc phải trả thêm phí bảo vệ môi trường. “Trên hóa đơn tiền nước, ngoài thuế giá trị gia tăng, người sử dụng nước còn phải trả thêm phí bảo vệ môi trường. Hiện việc thu gom, xử lý nước thải tại thành phố chưa được thực hiện; tại một số tuyến đường, nước thải vẫn chảy tràn lan ra đường, như vậy, việc đóng thuế bảo vệ môi trường là điều chưa hợp lý. Nếu như có nhà máy xử lý nước thải, thu khoản phí đấy thì tôi hoàn toàn đồng ý, hoàn toàn ủng hộ để làm sạch môi trường”- ông Nguyễn Văn Thực chia sẻ.
|
Còn ông Lược thì cho biết, ông đã làm hầm rút để xử lý toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt của gia đình. “Tôi không thải nước ra môi trường, công ty cũng không xử lý nước thải của gia đình tôi, vậy tại sao chúng tôi phải đóng 5% phí môi trường? Khoản phí này được thu để phục vụ vào việc gì?” – ông Lược thắc mắc.
Theo Quyết định 1282/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố, giá nước tăng đã bao gồm thuế GTGT, chi phí đấu nối đến khách hàng sử dụng nước, tiền dịch vụ môi trường rừng phải nộp theo quy định. “Vậy nhưng chúng tôi lắp đặt sau ngày 13/11/2019, phải tính theo giá tiêu thụ mới nhưng lại không được miễn phí lắp đặt” - chị Nương, xã Đăk Cấm cho biết.
Tăng giá nước là điều tất yếu?
Trước thực trạng trên, ông Văn Hải Chánh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết, từ năm 2013 đến nay, giá nước sạch sinh hoạt của thành phố Kon Tum chưa được tăng để bù đắp các chi phí sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các điều kiện về chi phí sản xuất đều tăng, nên việc tăng giá nước cũng là điều tất yếu, phù hợp với tình hình sản xuất của công ty hiện nay. Hơn thế, việc tăng giá nước cũng nhằm mở rộng và nâng cấp nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.
Ông cũng cho biết, trước khi áp giá mới, Công ty đã thực hiện việc thông báo trên Đài PTTH tỉnh, trên Báo Kon Tum. “Đáng ra phải có thêm nhiều hình thức thông báo khác để người dân nắm rõ” - ông Chánh thẳng thắn nhìn nhận.
Trước thắc mắc của người tiêu dùng về việc thu phí nước thải sinh hoạt, ông Chánh cho hay, thực hiện theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Nghị quyết số 07/2017/NĐ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh Kon Tum quy định về bố trí sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, UBND tỉnh giao cho Công ty thu phí bảo vệ môi trường đối với các đối tượng sử dụng nước của Công ty qua đồng hồ sử dụng nước với mức 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; còn các đối tượng không sử dụng nước thì giao cho UBND các xã, phường thu. Việc thu phí trên được Công ty nộp vào ngân sách tỉnh, nên việc phân phối, bố trí sử dụng phí này do HĐND tỉnh và UBND tỉnh quyết định, công ty chỉ là đơn vị thu hộ.
“Với vấn đề lắp đặt, Công ty miễn phí việc thu tiền lắp đặt đồng hồ cho khách hàng với khoảng cách từ hộ khách hàng đến đường ống dịch vụ <3m, còn nếu >3m thì Công ty sẽ thỏa thuận với khách hàng khi đấu nối và thay đồng hồ miễn phí đối với các đồng hồ đã lắp đặt >10 năm” – ông Chánh cho biết.
Hoài Tiến