Người Xơ Đăng vùng “rốn lũ” trồng gừng xuất khẩu
Ba năm gần đây, chuyện liên kết trồng gừng xuất khẩu sang châu Âu của người đồng bào Xơ Đăng ở vùng từng là “rốn lũ”- xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) không chỉ là giấc mơ mà đã trở thành hiện thực. Chuỗi liên kết này đã trở thành mô hình điển hình của đồng bào Xơ Đăng nơi núi rừng Tu Mơ Rông, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Có lẽ, đồng bào Xơ Đăng ở vùng “rốn lũ” Đăk Na trước đây không nghĩ có ngày mình lại sản xuất loại dược liệu như gừng, nghệ xuất khẩu sang châu Âu. Nhưng, điều đó đã trở thành hiện thực từ 3 năm nay từ khi có Hợp tác xã Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông vào hoạt động tại địa bàn. HTX đã liên kết với bà con đồng bào DTTS để cùng sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Việc liên kết này đã và đang giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập và đời sống.
Theo ông Hà Văn Phương- Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông, mối lương duyên về việc liên kết trồng gừng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 12/2021. Sau khi khảo sát một số vùng đất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, ông nhận thấy xã Đăk Na rất phù hợp để phát triển thành vùng nguyên liệu gừng hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông chính thức được thành lập để tập hợp các hộ dân xã Đăk Na tham gia chuỗi liên kết trồng gừng, nghệ, tỏi… phục vụ xuất khẩu.
|
Sau khi thành lập, HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động được 15 hộ dân là người đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn phát triển vùng trồng 3ha gừng, nghệ. Khi đó, UBND xã Đăk Na hỗ trợ cây giống, còn HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đến nay, chuỗi liên kết trồng gừng đã phát triển lên hơn gần 20ha và hơn 10ha nghệ dưới tán rừng với gần 40 hộ dân trên địa bàn xã Đăk Na tham gia liên kết trồng.
Vùng đất được HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông xây dựng vùng nguyên liệu gừng xuất khẩu gần 20 ha nằm trên đỉnh đồi cao, sát bìa rừng, cách trung tâm xã Đăk Na vài cây số. Đường lên vùng trồng gừng này rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Sau hơn 2 giờ (vừa đi xe máy, vừa đi bộ) leo núi nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi mới đến nơi. Đặt chân tới vùng nguyên liệu trồng gừng nơi núi rừng Đăk Na, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi mức độ đầu tư bài bản. Đất đai được cày cuốc theo từng luống, bên trên lót màng phủ nilon. Quanh các điểm trồng gừng được bao bọc bởi giàn lưới. Tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục hộ dân thôn Kon Trai chia nhau người cuốc hố, người làm cỏ, người bón phân, người gùi gừng giống xuống trồng… Mỗi người một việc, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng ai cũng rất vui.
Theo ông Hà Văn Phương, đối với gừng xuất khẩu đòi hỏi quy trình trồng, chăm sóc đều theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, đạt chứng nhận hữu cơ. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất gừng với bà con là người đồng bào Xơ Đăng, điều này đảm bảo tiêu chí để xuất khẩu sang châu Âu. Đặc biệt, để củ gừng xuất khẩu sang được các nước châu Âu, HTX còn phải thực hiện nhiều khâu từ ghi lại nhật ký trên app về quy trình trồng, chăm sóc để phía đối tác khách hàng bên châu Âu thấy được nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Là hộ thành viên HTX và cũng là hộ liên kết, anh A Blinh (thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na) tham gia cùng 8 hộ dân trồng hơn 6ha gừng tại thôn Đăk Riếp 1. Theo A Blinh, trước đây mảnh đất của gia đình chủ yếu là trồng mì, năng suất, thu nhập nhập thấp. Ba năm qua, sau khi được HTX gợi ý tham gia liên kết trồng gừng xuất khẩu, anh và một số hộ dân khác trên địa bàn lập tức tham gia trồng với hy vọng nâng cao thu nhập.
|
“Mô hình liên kết trồng gừng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Tại đây, HTX ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Không những vậy, người dân còn được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Như vậy, gia đình chỉ mất tiền công chăm sóc. Rõ ràng, so với trồng khoai mì trước đây, cây gừng đang trở thành cây trồng chủ lực của gia đình và nhiều hộ dân trong vùng”- anh A Blinh cho biết.
Tương tự, là hộ dân tham gia liên kết trồng gừng, gia đình ông A Lê (thôn Kon Trai, xã Đăk Na) cùng tổ hợp tác tại thôn Kon Trai trồng được khoang 6ha gừng. Đây là năm thứ 2 gia đình ông A Lê tham gia vào tổ hợp tác liên kết trồng gừng cùng HTX để phục vụ thị trường xuất khẩu.
Ông A Lê cho biết, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào cây mì, đời sống khó khăn. Nhưng khi được chính quyền và HTX vận động tham gia mô hình trồng gừng và được hỗ trợ giống, phân bón, quy trình chăm sóc, bao tiêu sản phẩm nên gia đình quyết định tham gia.
“So với cây mì, gừng cho thu nhập cao hơn nhiều, bà con chúng tôi chỉ việc tập trung sản xuất, đầu ra sản phẩm được HTX bao tiêu nên rất yên tâm. Nhờ thu nhập ổn định từ trồng gừng mà đời sống gia đình đã được cải thiện, không còn cảnh nghèo khổ như trước đây nữa”- ông A Lê vui vẻ cho biết.
Ông Hà Văn Phương- Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông cho biết, nếu người dân trồng và chăm sóc tốt, trung bình 1ha gừng cho thu hoạch khoảng từ 12-15 tấn. Khi đó, HTX thu mua cho người dân với giá khoảng từ 7.000-10.000 đồng/kg. Đây là giá đã bao gồm cả hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và người dân gần như chỉ bỏ công chăm sóc. Như vậy, trung bình 1ha, người dân thu lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng. So với trồng mì, lúa, thì mô hình trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người dân.
“Mục tiêu năm 2024 này là phát triển hơn 20 ha gừng và hơn 10 ha nghệ dưới tán rừng. Và trong khoảng 3 năm tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng diện tích trồng khoảng 100ha gừng, nghệ và tỏi. Việc mở rộng diện tích vùng trồng để tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu nhiều hơn nhằm phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”- ông Phương chia sẻ.
|
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, liên kết trồng gừng xuất khẩu sang châu Âu là mô hình tương đối mới mẻ đối với bà con đồng bào Xơ Đăng. Ngay sau khi doanh nghiệp đến khảo sát và thành lập HTX để thực hiện trồng gừng, UBND huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ để dự án sớm đi vào hoạt động.
Theo ông A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na, ngay khi HTX đặt vấn đề về phát triển mô hình trồng gừng hữu cơ và các sản phẩm khác để xuất khẩu sang châu Âu, chính quyền địa phương nhận thấy rất phù hợp với thực tế. Vì vậy, UBND xã Đăk Na đã tạo mọi điều kiện từ tổ chức họp thôn, tuyên truyền vận động người dân, cũng như phân tích những lợi thế giữa trồng gừng với các cây trồng khác để từng bước tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.
Ông A Dũng cho biết: Qua vài năm tham gia liên kết trồng gừng, cách làm nông nghiệp của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm. Quan trọng hơn, sau thời gian tham gia vào chuỗi liên kết trồng gừng, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên nhiều so với trước đây.
Cũng theo ông A Dũng, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX và người dân mở rộng thêm diện tích trồng gừng để từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định và xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, qua đó, giúp đồng bào dân tộc Xơ Đăng nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Phúc Nguyên