Về Kon Plông nghe đồng bào Mơ Nâm thổi Tà Vẩu
Khác với nhịp điệu cồng chiêng của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, người Mơ Nâm ở Kon Plông có cách đánh và hòa âm cồng chiêng rất độc đáo, được phối với loại nhạc cụ truyền thống mà bà con nơi đây gọi là Tà Vẩu. Với người Mơ Nâm, ở những lễ hội vui nhộn, nếu có cồng chiêng mà không có Tà Vẩu thì không khác gì chế biến món ăn mà thiếu đi gia vị.
Một lần về làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) tôi được tận mắt xem và nghe “bản hòa tấu” vui nhộn giữa cồng chiêng cùng Tà Vẩu và một số nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm nơi đây như trống, bộ khung. Điều ngạc nhiên nhất đó là nhìn bề ngoài tuy Tà Vẩu là một ống thổi rất nhỏ nhưng khi phát ra âm thanh, quyện lại cùng với âm thanh của cồng chiêng thì tạo nên sự ngân vang, réo rắt, rất vui nhộn.
Già A Lễ - một trong số ít nghệ nhân còn lại ở làng Kon Chênh biết chế tác và thổi Tà Vẩu hay nhất làng cho biết: Tà Vẩu được làm bằng cây nứa. Muốn chế tác nhạc cụ này, người Mơ Nâm phải lên rừng tìm cây nứa già, vì nếu chọn nứa non khi thổi sẽ không phát ra âm thanh hoặc âm thanh sẽ không ngân vang.
|
Cây nứa sau khi chặt từ rừng về, lấy một đoạn ngắn (cỡ 1 mắt nứa), 2 đầu thanh nứa để rỗng. Để chế tác Tà Vẩu, người Mơ Nâm dùng sáp ong bịt kín một đầu thanh nứa; phần giữa thân nứa, người chế tác nhạc cụ đục đẽo một khe nhỏ hình chữ nhật rồi dùng sáp ong gắn vào chính giữa khe nhỏ hình chữ nhật ấy một nan nứa mỏng và nhỏ (người Mơ Nâm gọi là lưỡi Tà Vẩu) để tạo âm thanh.
Tà Vẩu có 2 cách thổi khác nhau, thổi ngang (thổi ở khe hở bên hông nhạc cụ và lấy ngón tay bịt 1 đầu rỗng còn lại) hoặc thổi dọc (thổi ở phần đầu ống nứa rỗng và khi đó dùng ngón tay bịt một phần khe hở bên hông nhạc cụ).
Để thổi Tà Vẩu, người chơi nhạc cụ phải có sức khỏe, làn hơi tốt. Cách thổi nhạc cụ này không đơn giản, bởi nó đòi hỏi người sử dụng nhạc cụ phải vừa thổi, vừa hút khí vào bên trong để tạo âm thanh theo giai điệu, điệp khúc của bài hát hoặc tiết tấu cồng chiêng. Hơn nữa, vì Tà Vẩu là nhạc cụ mang tính vui nhộn, rộn ràng nên muốn thổi nhạc cụ hay phải điều tiết làn hơi để âm thanh phát ra ngân vang, đủ sức để réo gọi, mời mọc dân làng gần xa cùng đến chung vui.
|
Già A Lễ cho biết, mỗi khi người Mơ Nâm đánh cồng chiêng thì không thể thiếu Tà Vẩu; nếu cồng chiêng mà thiếu Tà Vẩu hòa quyện vào không khác gì chế biến món ăn mà thiếu đi gia vị. Cồng chiêng và Tà Vẩu cùng được sử dụng mỗi khi trong làng có lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới… nói chung là lễ hội vui nhộn. Có khi Tà Vẩu cũng được trai làng thổi lên (không cần hòa âm cùng cồng chiêng) để mời gọi các cô gái đến nhảy múa, hát giao duyên, để qua đó tìm hiểu nhau.
Năm lên 19 tuổi, cũng như nhiều chàng trai Mơ Nâm khác ở trong làng, già A Lễ đã biết thổi Tà Vẩu. Và để thổi được loại nhạc cụ này, ông phải mất cả năm trời tập luyện… Nhạc cụ này vẫn gắn bó với ông từ thời thanh niên đến giờ, mỗi khi trong làng có lễ hội vui nhộn hay gia đình ai tổ chức đám cưới cho con cháu già đều không quên mang theo Tà Vẩu để góp vui và cũng để nhắc con cháu nhớ về văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Những năm gần đây, bên cạnh việc truyền dạy chế tác và sử dụng Tà Vẩu cho thanh niên trong làng, già A Lễ cùng đội cồng chiêng của làng cũng đã biểu diễn trong các sự kiện văn hóa để giới thiệu về loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Mơ Nâm nơi đây.
Bên bếp lửa nghe già A Lễ kể chuyện, ông A Nuông - Bí thư chi bộ thôn Kon Chênh cũng góp vui câu chuyện của mình: Ngày trước, tối đến, những thanh niên trong làng như ông lại tụ tập ở nhà rông để thổi Tà Vẩu. Âm thanh của nhạc cụ đã cuốn hút nhiều cô gái trong làng đến nhảy múa và hát giao duyên. Mê tài nghệ thổi Tà Vẩu của ông, bà Y Brô ở cùng làng đã đem lòng cảm mến rồi 2 người thành vợ thành chồng.
Mái tóc đã điểm bạc, gương mặt đã hằn sâu những nếp nhăn, bà Y Brô - vợ ông A Nuông ngượng ngùng khi được chúng tôi đề nghị kể tiếp câu chuyện tình của mình đã nên duyên nhờ nhạc cụ truyền thống độc đáo này. Biết vợ mắc cỡ nên ông A Nuông hóm hỉnh, cầm Tà Vẩu trên tay rồi chủ động kéo chiếc đòn gỗ lại ngồi gần bà Y Brô như để tìm về cảm xúc mấy mươi năm về trước. Khi được chồng đề nghị: “Tôi thổi Tà Vẩu, bà hát bài hát giao duyên ngày ấy nhé”, bà Y Brô càng ngại ngùng hơn.
Trong tiếng vỗ tay của những thành viên đội cồng chiêng của làng, của những vị khách như chúng tôi, ông A Nuông và bà Y Brô đã hòa nhịp cùng âm thanh của tiếng Tà Vẩu du dương, vui nhộn và giai điệu của bài hát giao duyên hứa hẹn một tình yêu đẹp và sự thủy chung của người con gái với chàng trai…
Bà Y Brô tâm sự: Ngày xưa, nghe con trai đánh cồng chiêng và thổi Tà Vẩu hay thì con gái mới theo để nhảy múa và hát giao duyên. Nghe âm điệu của Tà Vẩu, của bài hát thổi vào tâm hồn, rồi trai, gái mới nảy sinh tình cảm, tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân. Lâu lâu, trong nhà có chuyện vui, chúng tôi lại mang Tà Vẩu ra thổi để cho con cháu cùng thưởng thức.
Ngày nay, tuy Tà Vẩu không được các chàng trai Mơ Nâm sử dụng để cuốn hút các cô gái nữa nhưng nó cũng thu hút nhiều người trẻ trong làng vào những cuộc vui chơi nhộn nhịp hay đơn giản là nhiều người muốn học hỏi từ cha, ông để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
A Dũng (33 tuổi) ở làng Kon Chênh chia sẻ: Năm 15 tuổi em đã theo già A Lễ để học thổi Tà Vẩu. Thổi nhạc cụ này khó lắm; nhất là làm sao điều khiển được làn hơi của mình để theo giai điệu, điệp khúc của cồng chiêng, của bài hát giao duyên. Tuy nhiên, khó mấy em cũng phải cố gắng vì đây là nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình để góp vui, tạo nên không khí vui nhộn trong các lễ hội của làng và đó cũng là giữ gìn nét đẹp văn hóa của chính người Mơ Nâm.
Tiết trời đã sang tháng 2 nhưng Kon Plông vẫn lạnh cắt da thịt, thế nhưng mùa lễ hội nơi đây đang hừng hực khí thế. Điều chúng tôi trông chờ nhất trở lại vùng đất này là được nghe lại âm thanh của Tà Vẩu réo rắt ngân vang và vui nhộn…
Tú Quyên