Lễ hội cầu an của người Ba Na
Lễ hội cầu an là lễ hội truyền thống có từ ngàn đời xưa của người Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc liên quan đến cộng đồng làng, nhằm cầu mong cho dân làng ấm no, hạnh phúc...
Lễ hội cầu an, theo tiếng Ba Na (nhánh Rơ Ngao) gọi là Puh hơ drĭ. Ở đây từ “puh” nghĩa là “xua đuổi”, “hơ drĭ” mang ý nghĩa là “mọi tà ma”, “dịch bệnh”, “sự dơ bẩn”, “cầu mong bình an"… Puh hơ drĭ là xua đuổi mọi tà ma, dịch bệnh, điều xấu ra khỏi dân làng để cầu mong cho dân làng quanh năm được khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc, đoàn kết một lòng…
Ông A Thút (62 tuổi) - Nghệ nhân ưu tú, Đội trưởng đội nghệ thuật cồng chiêng làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cho biết: Lễ hội cầu an được tổ chức sau khi dân làng đã thu hoạch hết mùa màng trên rẫy. Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng cho Yàng những lễ vật hiến sinh cho phù hợp, có thể là con trâu hay con bò, heo, dê, gà.
Trước khi tổ chức Lễ hội cầu an, dân làng tiến hành phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước, dọn vệ sinh sạch sẽ trong thôn làng, đóng góp của cải vật chất để sắm vật hiến sinh cúng Yàng, chế tác các đạo cụ như mặt nạ người và trang phục con thú dữ, hình nộm của con chim phượng hoàng…
Trong ngày lễ chính thức, già làng lựa chọn những nam thanh nữ tú hiền lành để đảm trách những công việc chính khi làm lễ, như lựa chọn một chàng trai khỏe mạnh mặc trang phục lông thú, đeo mặt nạ người và cầm giáo; một chàng trai khác khoác tấm chăn lên người, đầu đội hình nộm chim phượng hoàng; hai cô gái có nhiệm vụ cầm lá cây đót...
|
Khi vào nghi thức lễ, già làng cầu khấn: Hỡi thần nước! Thần núi! Thần sấm sét ở trên trời! Hôm nay, tất cả già, trẻ, gái, trai dân làng chúng tôi đều tập trung đông đủ giữa sân không gian nhà rông cao vút. Và chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ theo ý vị thần mách bảo. Tạo dựng hình nộm, vũ khí đao, kiếm, giáo mác, chiếc khiên và vật hiến sinh, giết mổ con heo đực thiến hết lớn đã nuôi mười năm tuổi và con gà lông đen chân chì để tế thần. Thường lệ như mọi năm, dân làng chúng tôi nguyện cầu các vị thần phù hộ cho buổi lễ cầu an này được hiệu nghiệm, để xua đuổi hết tà ma, mọi hoạn nạn dịch bệnh ốm đau và điều ác đang ẩn náu trong làng mau chóng đi ra khỏi làng…
Sau khi kết thúc lời cầu khấn thần linh, dân làng tiến hành nghi thức xua đuổi tà ma, dịch bệnh trong làng. Để thực hiện nghi thức này, già làng (chủ lễ) là người dẫn đầu. Tiếng hô vang và những bước nhún nhảy xông lên thể hiện hành động xua đuổi những điều xui xẻo, cái xấu, tà ma… Khi kết thúc tiếng hô và những bước nhảy, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên và kèm theo đó là những động tác múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ thể hiện sự vui mừng, niềm hân hoan vì các dịch bệnh, tà ma, xui xẻo… đã ra khỏi nơi trú ẩn và đi xa.
Việc xua đuổi các tà ma, dịch bệnh và mọi điều xấu… tiếp tục diễn ra trên khắp các đường đi lối vào trong thôn làng và ở các ngôi nhà với động tác được lặp đi lặp lại theo trình tự: sau tiếng hô xua đuổi “huih huih huih” là tiếng trống báo hiệu ba lần, rồi tiếng cồng chiêng nổi lên hòa với điệu múa xoang uyển chuyển của các thiếu nữ Ba Na (nhánh Rơ Ngao).
|
Kết thúc nghi thức xua đuổi tà ma, dịch bệnh, dân làng tập trung tại nhà rông để tiếp tục phần hội. Sau khi ghè rượu và các món ẩm thực đã chuẩn bị đầy đủ, già làng tiếp tục làm lễ cầu khấn mời các thần linh xuống cùng ăn, cùng uống, chung vui với dân làng để tạ ơn các thần linh đã bảo vệ dân làng; đồng thời, cầu xin các thần linh phù hộ cho dân làng sang năm tới được khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, cây trồng vật nuôi phát triển tốt, bảo vệ dân làng không bị các con ma xấu, các bệnh dịch, những xui xẻo, tai họa… đến với dân làng.
Lời cúng như sau: Ôi Yang! Dân làng chúng tôi tạ ơn các vị thần đã ban phước an lành trong suốt năm qua. Thành kính mời các thần xuống cùng ăn thịt, uống rượu chung vui với dân làng trong ngày Lễ cầu an hôm nay. Cầu mong trong những năm tiếp theo, dân làng chúng tôi được gặp nhiều may mắn, cho mưa thuận gió hòa, làm rẫy thu nhiều lúa, bắp, khoai…chất đầy nhà kho; chăn nuôi trâu, bò, heo, dê, gà phát triển chật làng, đầy cánh rừng… để bà con láng giềng được nhờ cứu giúp trong đời sống. Dân làng chúng tôi được bình an vô sự, có của ăn của để và có cuộc sống sung túc, trù phú, đoàn kết một lòng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong những ngày hoạn nạn hay ngày vui, một ý chí gây dựng thôn làng và không bao giờ xảy ra xung đột trong làng…
Già làng làm lễ xong, dân làng bắt đầu hòa nhập vào không khí phần hội uống rượu mừng. Những tiếng hò reo, mời mọc, chúc tụng nhau cùng với những điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái Ba Na (Rơ Ngao) hòa quyện với nhịp cồng chiêng hào hùng của các chàng trai càng tăng thêm sự nhộn nhịp, sôi động của lễ hội.
Với nét văn hóa dân gian độc đáo của Lễ hội cầu an, người Ba Na (nhánh Rơ Ngao) ở làng Đăk Wơt luôn luôn gìn giữ, kế thừa và phát huy; thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông A Hliuh, 70 tuổi, nghệ nhân cồng chiêng bộc bạch: Nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang không thể thiếu trong các dịp dân làng tổ chức các nghi lễ cúng cầu an, mừng giọt nước, mừng lúa mới… Tôi biết đánh cồng chiêng từ năm mười mấy tuổi, học được từ cha và mấy nghệ nhân trong làng. Lễ hội cầu an không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng và múa xoang.
Còn em Y Sương, 15 tuổi, nghệ nhân múa xoang phấn khởi cho hay: Chúng em rất tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang do ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Được tham gia tái hiện Lễ cầu an, đội nghệ nhân cồng chiêng làng Đăk Wơt luôn mang đến cho du khách trong nước và nước ngoài những ấn tượng khó quên, điều đó làm cho chúng em rất hãnh diện và tự hào về văn hóa của dân tộc mình.
Thảo Nguyên