Độc đáo củi hứa hôn của thiếu nữ Giẻ-Triêng
Trước khi cưới, các cô gái phải chuẩn bị hàng trăm bó củi rừng để đưa sang nhà chồng. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Đây là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Giẻ-Triêng ở vùng biên giới 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Bây giờ, tục này vẫn duy trì...
Chuẩn bị củi hứa hôn từ tuổi 15
Đầu năm 2019, theo chân ông A Xíu - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Glei về làng Đăk Ung (xã Đăk Nhoong), chúng tôi chứng kiến nhiều nhà có "núi" củi hai đầu phẳng phiu xếp ngay ngắn bên hiên nhà, trước sân.
A Xíu cho biết đó là "củi hứa hôn" của con gái người Giẻ -Triêng trong làng, phần lớn là củi đã "bắt chồng" rồi (nghĩa là đã làm đám cưới).
Đến nhà bà Y Lép, thấy đống củi cao còn mới, hỏi thì quả là nhà vừa làm đám cưới cho con trai.
"Con gái Giẻ -Triêng là vậy. Muốn cưới chồng phải chuẩn bị củi hứa hôn. Bây giờ mỗi đứa chỉ làm 100-200 bó củi thôi, còn ngày xưa phải làm gấp 2-3 lần" - bà Y Lép nói.
|
Bà kể, xưa bà phải làm 400 bó củi. Mỗi ngày vào rừng, tìm cây dẻ, lựa thân cây thẳng, ít mắt mà chặt thành từng bó, mỗi bó 4 cây, dài khoảng 1m. Độc đáo là cây củi nào cũng được chẻ ra nhưng dính chặt, không bị tách rời, hai bên đầu thẳng láng như mài.
"Củi càng đẹp thì càng thể hiện lòng thành của nàng dâu. Cứ nhìn vào bó củi là biết cô gái khéo léo hay không"- bà Y Lép nói.
- "Mất bao lâu mới xong mấy trăm bó củi"- chúng tôi hỏi.
Bà Y Lép cho biết, để chuẩn bị mất rất nhiều thời gian, nhanh là nửa tháng, còn thường là đến cả tháng. Tuy nhiên, đó là nhờ bà con dòng họ trong làng giúp đỡ, còn một thân một mình thì không biết bao nhiêu thời gian mới xong.
Uống rượu cần bên bếp lửa ấm, nghe người Giẻ-Triêng làng Đăk Ung kể chuyện, chúng tôi mới hay, con gái người Giẻ -Triêng mới 15 tuổi đã đi tập làm, chuẩn bị củi hứa hôn.
Theo chị Y Nhớ, con gái Giẻ-Triêng phải chặt củi ít nhất từ 400-500 bó củi, tất cả phải thể hiện được sự khéo léo. Hành trang vào rừng chặt củi là cây rìu, cây rựa thật sắc và cái gùi. Con gái cũng cần sức khỏe, khéo léo mới lấy được nhiều củi.
“Tuy nhiên, cái khó nhất của củi hứa hôn là tập bổ củi cho hai đầu láng bóng, củi chẻ ra thành 3 miếng khác nhau nhưng dính chùm. Có người phải mất 2 năm mới tập xong việc bổ củi. Những ai tập làm đều được những phụ nữ lớn tuổi trong làng cầm tay chỉ việc" - chị Y Nhớ cho biết.
Đó là chưa kể, trong hàng trăm bó củi hứa hôn, ít nhất phải có 30 bó củi bằng cây xà nu đỏ (cây thông đỏ). Loại này chỉ cần bỏ vào bếp là cháy bùng lên, nhựa xà nu thơm lừng và dù cháy to nhưng không có than đỏ bắn ra ngoài. Khi củi đã chuẩn bị xong, trước ngày cưới, cô gái và gia đình phải tự cõng về nhà chồng, bao giờ đủ số mới được "bắt chồng".
Gìn giữ nét văn hóa và giữ rừng
Củi hứa hôn không chỉ người Giẻ-Triêng ở Đăk Glei mà người Giẻ -Triêng ở Ngọc Hồi cũng có phong tục tương tự.
Tìm về làng Dục Nhày 2 (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), chúng tôi chứng kiến cảnh những phụ nữ lớn tuổi trong làng đang đưa các sơn nữ đi làm củi hứa hôn.
Chị Y Thông (30 tuổi) cho biết, ở đây khi con gái 15 đến17 tuổi là được người lớn lựa ngày ít đi rẫy, dẫn vào rừng tập bổ củi làm củi hứa hôn. Cứ sáng đi vào rừng, trưa ăn cơm tại rừng và chiều cõng củi về. Đi khoảng 3 ngày như vậy thì làm được 70-80 bó củi.
"Củi bây giờ không còn cây dẻ, cây thông nữa đâu, vì cán bộ tuyên truyền không phá rừng. Vì vậy, giờ các em phải dùng cây bời lời thay củi dẻ"- Y Thông cho biết.
Cây bời lời được người Giẻ-Triêng trồng rất nhiều, vỏ bán ra để làm nhang hương thắp, thân thì bán làm củi.
Già A Nghe (81 tuổi, làng Đăk Dục) giải thích: đã là con gái người Giẻ-Triêng thì phải làm củi hứa hôn. Chúng tôi xem củi này như giúp cho tình yêu vợ chồng ngày càng bền chặt, tốt đẹp hơn, nó thể hiện khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Chính vì ý nghĩa này nên bó củi hứa hôn bao đời nay luôn được duy trì.
Cũng theo già A Nghe, dù tìm củi rừng đẹp có khó hơn trước đây, nhưng cái cốt vẫn giữ được phong tục tốt đẹp này. Do đó, đồng bào Giẻ-Triêng không vào rừng tìm cây gỗ để làm củi hứa hôn, mà chuyển sang cây trồng như cây bời lời để vừa duy trì nét văn hóa đặc sắc, vừa giữ được rừng, lại còn mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông A Xíu - Cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đăk Glei cho hay, xưa và nay thì củi hứa hôn có nét khác nhau. Nếu ngày xưa, con gái Giẻ vào rừng tìm cây dẻ và thông đỏ, thì nay người dân chọn cây bời lời làm củi hứa hôn.
Ông Trần Hữu Thảo - Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 64 cộng đồng thôn làng bao bọc, chủ yếu là người dân tộc Giẻ-Triêng, hoạt động khai thác củi để làm củi hứa hôn là nét truyền thống văn hóa bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số người Giẻ -Triêng. Để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tốt, đồng thời giữ được phong tục tập quán văn hóa của người địa phương trong khu bảo tồn, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh phối hợp chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó đề cập công tác khai khác lâm sản làm củi hứa hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, đã hướng dẫn bà con sử dụng củi ở vườn rừng sau khai thác như cà phê, bạch đàn, keo lai để làm củi hứa hôn... vì vậy, không có tình trạng bà con vào chặt cây rừng lấy củi hứa hôn.
|
Củi hứa hôn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Giẻ- Triêng ở Kon Tum. Trải qua nhiều năm, nét văn hóa truyền thống này vẫn được thiếu nữ Giẻ- Triêng ở huyện vùng biên Ngọc Hồi và Đăk Glei duy trì. Điều đáng nói, với sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, đồng bào Giẻ- Triêng có những linh hoạt trong việc chuẩn bị củi hứa hôn của các cô gái sắp về nhà chồng nên vừa giữ được tập tục văn hóa của dân tộc mình, vừa bảo đảm không chặt củi phá rừng.
P.N-P.A