KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY ĐẤU TRANH LƯU HUYẾT (12/12/1931 - 12/12/2014)
Chiến sĩ cách mạng Trương Quang Trọng và chuyện tình cảm động
Gương hy sinh tiết liệt của chiến sĩ cách mạng Trương Quang Trọng luôn sáng mãi với sử xanh. Nhưng ít ai biết rằng, ông có một mối tình đẹp trong thời gian bị giam cầm ở Ngục Kon Tum.
Ngày nay, tại thành phố Kon Tum, con đường dẫn vào Khu Di tích lịch sử Ngục Kon Tum mang tên Trương Quang Trọng. Ở thành phố Quảng Ngãi quê hương ông cũng có đường Trương Quang Trọng. Ông chính là người ngã xuống đầu tiên trước mũi súng của thực dân Pháp vào sáng ngày 12/12/1931 trong cuộc đấu tranh Lưu huyết của chính trị phạm tại Ngục Kon Tum chống cưỡng bức đi mở đường 14 lần thứ 2 (mùa khô 1931-1932).
Gương hy sinh tiết liệt của chiến sĩ cách mạng Trương Quang Trọng luôn sáng mãi với sử xanh. Nhưng ít ai biết rằng, ông có một mối tình đẹp trong thời gian bị giam cầm ở Ngục Kon Tum.
|
Trương Quang Trọng sinh năm 1906 tại xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1926 đang học năm thứ 2 Y khoa Trường Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội thì cùng Phạm Văn Đồng và một số bạn bè khác tham gia phong trào đòi để tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh, đòi ân xá Phan Bội Châu nên bị đuổi học. Ông về quê vận động thành lập Thanh niên cách mạng đảng tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động đến ngày 19/8/1929 thì bị bắt, lĩnh án 9 năm khổ sai, 4 năm quản thúc, chuyển từ nhà tù Quảng Ngãi qua nhà lao Quy Nhơn, đến tháng 6/1931 bị đày lên Ngục Kon Tum. Ở đây, ngày 12/12/1931 nổ ra cuộc đấu tranh Lưu huyết và Trương Quang Trọng đã anh dũng hy sinh.
Sách “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến viết: “Ngày 12 tháng chạp cũng như các ngày thường, viên cai đội Moulec đem sổ vào, kêu nhà phạt đi làm… Cuộc đi Đăk Pét đã đến rồi (...). “Không đi Đăk Pét! Không đi Đăk Pét!”. Anh em đồng thanh la hét, nhất định không đi Đăk Pét. Tiếng tung hô khẩu hiệu, tiếng vỗ tay làm náo động một góc trời. Viên đội Moulec thấy nhà phạt đã nổi loạn nên không dám vào lao, đứng ngoài cửa mà hỏi:
- Chúng bay muốn gì?
- Chúng tôi nhất định không đi Đăk Pét! – Nhà phạt trả lời (...).
... Những câu trả lời đó là do anh Nguyễn Lung, số hiệu 299 nói ra một cách rất cương quyết. Lung một mặt trả lời cho Moulec, một mặt hô to các khẩu hiệu để cổ vũ anh em quyết tâm tranh đấu…”.
Về cái chết của Trương Quang Trọng, sách viết tiếp: “Một hồi sau, Công sứ, Giám binh, các viên quan Một ở các đồn và lính tráng rầm rộ kéo đến… Thái độ người nào cũng hung hăng dữ tợn.
Trong lao thì nhà phạt hô to khẩu hiệu “Phản đối đi Đăk Pét! Phản đối đi Đăk Pét!”, rồi tất cả đều kêu nhau sắp hàng đứng trước cửa lao, thái độ người nào cũng quả quyết, hăng hái, không sợ chết. Người đại diện cho anh em lúc bấy giờ là Trương Quang Trọng, số hiệu 303, đứng hàng đầu. Thái độ của Trọng trầm tĩnh oai nghiêm và hết sức quả quyết.
Theo lệnh Công sứ, Moulec tay cầm súng sáu, vừa bước vào cửa lao vừa hỏi: - Thằng 299 ở đâu? (Où est-il 299?).
Khi nghe kêu số hiệu của Lung, anh em nhà phạt đều la lớn: Không có, không có, không có ai hết!
Nhưng lúc ấy Trọng đứng hàng đầu, vừa nghe Moulec kêu Lung thì Trọng tay lần mở nút áo, phanh ngực, rồi chỉ vào ngực mà trả lời cho Moulec bằng tiếng Pháp: - Le voici! (Nó ở đây!).
Moulec đưa thẳng súng sáu vào ngực Trọng nảy một phát, nói: - Le voilà! (Nó đó!).
Tiếng súng sáu vừa ra, Trọng liền ngã xuống!”.
Lúc này Trương Quang Trọng mới vừa tròn 25 tuổi.
Theo tư liệu mà chúng tôi tìm được, Trương Quang Trọng vốn đã có vợ, nhưng vợ mất sớm khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi vợ mất, ông đã viết đậm dòng chữ “Biết đâu mà tìm!” đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ. Sau đó, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông gặp Nguyễn Thị Du là bạn cũ thời cùng học ở Huế. Hai người yêu nhau thầm lặng, không dám để lộ ra, vì ông sợ người yêu sẽ gặp liên đới nếu mình bị lộ và bị bắt bớ.
Lúc Trương Quang Trọng còn bị giam ở Quảng Ngãi và Quy Nhơn, Nguyễn Thị Du có đến thăm và thêu tặng người yêu chiếc áo lót bông. Những lần trò chuyện với bạn tù, Trương Quang Trọng thường nói: “Cái áo này may ra chỉ bọc đống xương tàn của mình, chớ mình vị tất đã gặp lại người yêu!”. Đúng như lời tiên cảm, chính chiếc áo ấy đã nhuộm đỏ máu đào vào buổi sáng mùa đông giá lạnh.
Thời gian trong tù, nhớ đến người yêu, Trương Quang Trọng có làm một bài thơ tặng Nguyễn Thị Du: “Đôi quả tim này đã kết tinh/ Vì chưng nghĩa nước phải lặng thinh/ Quân thù đế quốc ghê em nhỉ/ Cướp cả non sông lẫn ái tình!”.
Khi hay tin người yêu bị sát hại, Nguyễn Thị Du tìm đến Ngục Kon Tum viếng mộ. Trước mộ 8 chiến sĩ cách mạng cùng hy sinh trong cuộc đấu tranh Lưu huyết, Nguyễn Thị Du đã xúc động cảm tác nên bài thơ: “Nhật nguyệt soi ngời ngọn cỏ xanh/ Tám người liệt sĩ chết toàn danh/ Máu rơi thêm thắm tình đồng chí/ Súng nổ khôn lay tấm nhiệt thành/ Xương trắng ai đền ơn đất đỏ/ Lòng son ta ấp nấm mồ xanh/ Cao trào cách mạng càng lên mạnh/ Tạc dạ công người biết tử sanh”.
Từ một tình yêu riêng tư cộng với ý chí căm thù giặc, Nguyễn Thị Du đã để lại cho kho tàng thơ văn Kon Tum một tác phẩm quý giá như vậy.
Qua câu chuyện trên, chúng ta tưởng như còn bắt gặp thấp thoáng đâu đó bóng dáng người con gái tài hoa kia qua đoạn văn trong ký sự "Ngục Kon Tum » đã mô tả: "Về sau này, một hôm có một bà cụ già, một người thiếu phụ nghe tin con, tin chồng bị bắn, tìm đến để thăm. Đứng trước mấy nấm mồ than vãn khóc lóc, không biết đâu là mả chồng, đâu là mộ con. Gặp chúng tôi nhờ chỉ giùm, làm cho chúng tôi rất đỗi bùi ngùi bối rối, bất đắc phải chỉ mấy nấm mồ mà nói: “Cụ và chị cứ thăm cả mấy nấm mồ này, con trong đó mà chồng cũng trong đó". Thở một hơi dài, bà cụ già và thiếu phụ vội vã lấy nắm hương chia ra làm tám cắm lên trên mấy nấm mồ, khóc than một hồi rồi lặng lẽ ra đi…"
Vậy, Nguyễn Thị Du là ai? Đến nay bạn đọc và các nhà nghiên cứu chưa để tâm tìm hiểu nhiều về người này. Có lẽ cần phải làm rõ hơn, cũng là để tri ân và tôn vinh một chuyện tình cảm động của một chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Tạ Văn Sỹ