Xây dựng xã hội học tập- Thống nhất từ nhận thức đến hành động
Đảng, Nhà nước ta đã xác lập một quan niệm rõ ràng về xã hội học tập. Theo đó, trong một xã hội học tập, các cá nhân được học tập thông qua nhiều cơ hội học tập khác nhau; đồng thời cho phép mọi công dân được tham gia và hưởng lợi từ việc học tập, không loại trừ một ai.
Từ Đại hội IX, Đảng ta nhất quán chủ trương thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều có thể được học tập suốt đời.
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Ngày 10/5/2019 Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X. Theo đó, thúc đẩy xã hội học tập trong đó mọi công dân đều có cơ hội được tiếp cận học tập suốt đời; gắn học tập suốt đời với sự phát triển kinh tế - xã hội và với nền kinh tế tri thức.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
|
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, từ tháng 6/2011, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập. Ngày 25/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
Ở tỉnh ta, tháng 10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII đã ban hành Kết luận số 794-KL/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, phong trào thi đua học tập suốt đời, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi. Như Kế hoạch số 3418/KH-UBND ngày 23/9/2021 về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động thực tiễn trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, động viên nhân dân tham gia học tập, từ đó xây dựng xã hội học tập.
Mạng lưới trường lớp cùng với nhiều loại hình đào tạo được quan tâm đầu tư rộng khắp, mang lại nhiều cơ hội học tập hơn cho người dân ở mọi lứa tuổi, không chỉ giới hạn trong lớp học, trường học, mà còn ở các lớp dạy nghề, xóa mù chữ tại thôn, làng.
Đặc biệt, các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là đối với người lớn tuổi, lao động nông thôn, theo phương châm “ai cần gì học nấy”.
Mạng lưới Hội khuyến học được mở rộng đến các huyện, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trở thành nòng cốt trong việc huy động đông đảo các lực lượng xã hội, các cơ quan, đoàn thể, trường học, nhân dân tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Quỹ khuyến học các cấp thu hút sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân. Trong thời gian qua đã huy động được hàng chục tỷ đồng, qua đó kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn, tiếp sức học sinh nghèo; trao học bổng, khen thưởng học sinh giỏi.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã có 59.386 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; 84 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 370 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”; 304 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”; 78.707 người được công nhận “Công dân học tập”.
Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy cuộc vận động xây dựng xã hội học tập trong kỳ đổi mới.
|
Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai xây dựng xã hội học tập vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục.
Về mặt nhận thức, một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức thật sự đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới. Nhiều người dân còn coi nhẹ sự học.
Về hành động, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số nơi còn mang tính hình thức; phát triển không đồng đều, triển khai còn lúng túng, hiệu quả thấp. Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thiết nghĩ cần tiếp tục tạo dựng được sự thống nhất giữa nhận thức và hành động.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Có biện pháp tích cực, nội dung cụ thể giúp các xã vùng sâu, vùng xa, những địa phương khó khăn trong việc triển khai xây dựng xã hội học tập; hỗ trợ các sở giáo dục trong dạy và học tập.
Củng cố, xây dựng hội khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, hối phợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình hiếu học; cộng đồng, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Tiếp tục phát huy hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phong phú với điều kiện nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị.
Sông Côn