Xây dựng và phát huy nhân tố con người trong thời đại ngày nay - Bài 3: Kon Tum xây dựng và phát huy nhân tố con người
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Từ đó triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy nhân tố con người phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Kết quả là, trong giai đoạn 2012-2022, đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh được nâng lên cả về số lượng và trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu. Tổng số nhân lực của mạng lưới tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh (qua khảo sát) là 653 người (nhân lực của tổ chức KH&CN công lập 51 người; chiếm 7,8% trên tổng số nguồn nhân lực của mạng lưới tổ chức KH&CN); trong đó có 24 tiến sĩ; 141 người có trình độ thạc sĩ, 371 người trình độ đại học và cao đẳng.
Chất lượng giáo dục-đào tạo chuyển biến tích cực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều đạt cao, như năm 2017 đạt 95,74%, năm 2018 đạt 95,87%, năm 2019 đạt 91,47%, năm 2020 đạt 97,69%, năm 2022 đạt 97,49% và năm 2023 là 98,74%. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao.
Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được triển khai hiệu quả, với mạng lưới trạm y tế phủ kín các xã, phường, thị trấn. Tuổi thọ trung bình tăng từ 66,2 tuổi (năm 2015) lên 66,8 tuổi (năm 2020). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2020 là 36% (giảm 3,3% so với năm 2015); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 23,7% (năm 2015) xuống 20,9% (năm 2020).
|
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tích cực, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,424% (năm 2015) xuống còn 1,2% vào năm 2020. Có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; số giường bệnh/1 vạn dân đạt 38,5 giường.
Với đặc thù tỉnh biên giới, với hơn 54% dân số là đồng bào DTTS, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục và y tế vùng DTTS và miền núi. Hệ thống trường, lớp được đầu tư nâng cấp, hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh dân tộc nội trú ngày càng được củng cố và hoàn thiện.
Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 97,7%, bậc trung học cơ sở đạt 94,7%, bậc trung học phổ thông đạt 66,9%; số sinh viên DTTS (đại học, cao đẳng)/vạn dân đạt 75 sinh viên/vạn dân.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi DTTS giảm còn 35,5‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em DTTS dưới 5 tuổi giảm còn 36,1%. Tuổi thọ bình quân của các DTTS đạt 67.
Đội ngũ cán bộ là người DTTS ngày càng được củng cố, trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đạt được, lĩnh vực văn hóa, con người cũng còn tồn tại, hạn chế. Đó là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số DTTS có nguy cơ mai một dần.
Một bộ phận người dân có những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quay lưng lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng.
|
Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế trong quản lý văn hóa. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra mục tiêu “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, quy mô dân số khoảng 620.000 người, trong đó trên 60% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 44%.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến xây dựng và phát huy nhân tố con người. Trong đó đáng chú ý là Quyết định số 1296/QĐ-UBND, ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 1677/KH- UBND, ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum; Kế hoạch 1794/KH-UBND, ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Để tiếp tục xây dựng và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ mới, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số, một trong những yêu cầu hàng đầu là bảo đảm xây dựng môi trường xã hội tối ưu để người dân yên tâm sinh sống, lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển, hoàn thiện bản thân, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Theo đó, chú trọng đào tạo nghề cho lao động tại chỗ gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy tốt năng lực.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng đào tạo từ bậc trung học cơ sở, phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề lên 40%.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nâng cao năng lực và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng. Phấn đấu nâng tuổi thọ bình quân đạt 68 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 34%. Triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Và quan trọng nhất là tiếp tục lấy phát huy nhân tố con người trong hệ thống chính trị làm cơ sở, động lực khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum giàu mạnh trong các tầng lớp nhân dân.
Sông Côn