Xây dựng và phát huy nhân tố con người trong thời đại ngày nay - Bài 2: Làm gì để phát huy nhân tố con người?
Phát huy nhân tố con người là một nội dung cơ bản trong Chiến lược phát triển bền vững của nước ta. Đại hội XIII của Đảng xác định “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”.
Trong thời đại ngày nay, cùng với quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, đã có nhiều suy nghĩ chỉ cần có máy móc hiện đại là có thể thực hiện được bất cứ việc gì.
Thế nhưng, thực tế chứng minh đây là suy nghĩ sai lầm, bởi máy móc có hiện đại đến đâu mà không có con người biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống thì chuyển đối số không thể thành công.
Như vậy, nhân tố con người vẫn đóng vai trò cốt yếu. Cùng với máy móc hiện đại, cần phải tổ chức lại nhân sự phù hợp với việc vận hành hệ thống; con người phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số đối với lĩnh vực mà mình đảm nhận.
|
Nói đến câu chuyện của chuyển đổi số để khẳng định rằng, dù khoa học công nghệ có phát triển đến mức nào thì nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất. Con người, không chỉ tạo nên máy móc, sáng tạo công nghệ hiện đại, mà không ai khác hơn, cũng chính con người điều khiển máy móc, công nghệ hiện đại ấy, đảm bảo phục vụ đời sống và sản xuất hiệu quả nhất.
Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội vẫn là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước ta.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, và là mục tiêu của sự phát triển”. Và “Phát huy nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
|
Như vậy, quan điểm về xây dựng con người mới của Đảng vừa đảm bảo sự thống nhất giữa tính lý tưởng và thực tiễn, giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, giữa nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, đảm bảo sự phát triển con người toàn diện cả về đức và tài, cả về thể lực, trí lực và tâm lực, có ý chí và bản lĩnh vươn lên trong công việc cá nhân và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Phấn đấu đến năm 2023, Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, một trong ba đột phá chiến lược được đặt ra là: Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Theo đó, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Trọng tâm là xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân.
Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Chú trọng đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu).
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
Sông Côn
(Còn nữa)