“Tự soi, tự sửa”
Thời điểm cuối năm là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự phân tích, đánh giá, nhận xét bản thân sau một năm thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên. Cùng với sự quan tâm, góp ý của các tổ chức, các cá nhân, đây chính là dịp để mỗi đảng viên “tự soi”thật kĩ những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để “tự sửa” thật sâu, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, ngày càng hoàn thiện bản thân.
Tất nhiên, không phải đợi đến cuối năm, qua đợt kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên thì các cán bộ, đảng viên mới đi sâu vào “tự soi, tự sửa”. Mà thông qua việc tự phê bình bản thân như Bác Hồ căn dặn “như soi gương, rửa mặt hằng ngày”, các cán bộ, đảng viên đã “tự soi, tự sửa”, chỉ ra mặt ưu, mặt khuyết của bản thân để phát huy, để khắc phục.
|
Mới đây, nói về vấn đề này, trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn “rèn luyện suốt đời, tự soi, tự sửa”. Điều này ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên mà còn góp phần rất lớn trong xây dựng tổ chức đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.
Thực tế cho thấy không ai hiểu rõ con người mình bằng chính mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người khi mắc lỗi lầm, sai sót đều tự biện minh, đổ lỗi cho hàng loạt các yếu tố khách quan mà không dám nhìn thẳng vào sự thật và bỏ qua yếu tố chủ quan của bản thân. Nếu từ những sai sót nhỏ không tự soi, tự nhìn nhận nghiêm túc để tự sửa đổi, tu dưỡng, rèn luyện, ngăn chặn kịp thời mầm mống xấu, thì lâu dần sẽ theo đà trượt dài thành những cái sai lớn, thành những “ung nhọt”, đến mức phải chịu các mức kỷ luật của Đảng.
Lấy đơn cử từ những vụ việc cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh vi phạm những điều đảng viên không được làm, thậm chí có những trường hợp đến mức xử lý kỷ luật trong thời gian qua để hiểu hơn về tầm quan trọng của việc “tự soi, tự sửa”. Chỉ tính riêng năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã phải xem xét thi hành kỷ luật 206 đảng viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đáng buồn này, tuy nhiên nguyên nhân chung nhất đều bắt nguồn từ việc không sớm “tự soi, tự sửa”, thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, sinh ra những thói hư tật xấu, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Không ít người cho rằng, nếu những trường hợp này nghiêm túc nhìn nhận lại những ưu, khuyết của bản thân, biết “tự soi, tự sửa” từ những sai sót nhỏ ngay từ sớm, từ trước, chắc chắn sẽ không tiến tới những sai sót lớn đến mức phải xử lý kỷ luật như ngày nay.
|
“Tự soi, tự sửa” thể hiện rất rõ sự nghiêm túc, cầu thị của mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn mang lại những hiệu quả bền vững. Thực tiễn cho thấy, những cán bộ, đảng viên biết tự soi thật kĩ, đều biết tự sửa thật sâu thì sẽ luôn cố gắng, không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân và có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Ngược lại, với những cán bộ, đảng viên bảo thủ, không dám nhìn thẳng vào những sai sót, hạn chế của bản thân để kịp thời sửa chữa, khắc phục, lâu dần sẽ bị trì trệ, lạc hậu.
Thông thường mỗi người dễ nhận thấy những ưu điểm của bản thân, còn về mặt khuyết điểm, vì tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”, sợ mất thể diện nên không dám đối mặt, không tự thẳng thắn nhìn nhận và tự tìm nguyên nhân, đưa ra những giải pháp khắc phục, sửa chữa. Bởi vậy, vấn đề có ý nghĩa hàng đầu trong “tự soi, tự sửa” chính là nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Sự gương mẫu trước hết và bắt đầu từ chính sự tự giác, cầu thị, không ngừng “tự soi, tự sửa”, tự tu dưỡng, rèn luyện, tự vượt lên chính mình để thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nói như vậy để thấy, không chờ đến dịp kiểm điểm, đánh giá cuối năm mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xem “tự soi, tự sửa” là việc làm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt hơn, vào dịp cuối năm, khi sau một năm thực hiện các chức trách, nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải tự nhìn nhận, soi rọi thật kĩ cả quá trình ở tất cả các mặt để tự sửa, tiếp tục hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ trong thời gian tới.
“Một dân tộc, một đảng, mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, lời căn dặn của Bác cho đến hôm nay còn nguyên giá trị. Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên luôn biết tự soi bản thân thật kĩ, để biết tự sửa thật sâu thì sẽ không chỉ phát huy được năng lực của chính mình mà còn là tấm gương để mọi người cùng nhìn vào học tập và làm theo, góp phần tích cực vào việc xây dựng chi bộ, cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nguyên Phúc