Trường tồn với thời gian
Trong hành trang tới tương lai của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum không chỉ có những bài học sâu sắc về sự đoàn kết, ý chí tự lực và tinh thần đổi mới, sáng tạo mà còn có những trang sử hào hùng và ngày 25/9/1930 trường tồn.
|
1. Tại Thông báo kết luận số 59-TB/TU, ngày 17/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất lấy ngày 25/9/1930 làm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh, theo mốc sự kiện thành lập chi bộ đảng đầu tiên tại Ngục Kon Tum.
Và trong những lần đưa bạn bè từ các tỉnh, thành phố khác tới thăm viếng Ngục Kon Tum, điều khiến tôi tự hào nhất là được giới thiệu rằng, chỉ ít lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), thì ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này, ngay trong "địa ngục trần gian" Ngục Kon Tum, nơi được thực dân Pháp xây dựng nhằm "bóp nghẹt ý chí chiến đấu của tù chính trị" đã có một chi bộ cộng sản ra đời- Chi bộ binh.
Ngục Kon Tum từng được mệnh danh là nhà ngục có nhiều cái “nhất”: Là nơi đày ải, giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên; là nơi giam giữ những người tù chính trị được xem là nguy hiểm nhất; số lượng tù cũng nhiều nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Có thời gian, Ngục Kon Tum giam giữ hơn 500 tù chính trị. Trong đó có những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng... mà đến nay tên tuổi của các bậc tiền bối cách mạng ấy vẫn gắn bó với Kon Tum qua những tên đường.
Với chính sách khổ sai, đàn áp, chỉ trong 3 năm (từ năm 1930-1933) đã có hơn 300 tù chính trị ngã xuống nơi "rừng thiêng nước độc" khi bị thực dân Pháp đưa đi mở cung đường 14 (đoạn Đăk Sút, Đăk Tao, Đăk Pao, Đăk Pét). Theo "Ngục Kon Tum" của cụ Lê Văn Hiến, trong số 295 người đi Ðăk Pék đợt một thì đã có 215 người chết.
Nhưng không chỉ có đau thương, không chỉ là xương máu, Ngục Kon Tum còn là biểu tượng cho ý chí bất khuất của người cộng sản.
Người có công đầu tiên và lớn nhất trong sự kiện này chính là tù chính trị Ngô Đức Đệ. Tại đây, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự khôn khéo của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, lần lượt kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi thành lập, Chi bộ binh đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với những hình thức khác nhau tại Ngục Kon Tum, mà đỉnh điểm là “Cuộc đấu tranh lưu huyết" sáng 12/12/1931, gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Trương Quang Trọng, và “Cuộc đấu tranh tuyệt thực" ngày 16/12/1931.
Đầu năm 1932, dưới sự tác động của đồng chí Ngô Đức Đệ, sau một thời gian chuẩn bị, các đảng viên ngoài nhà lao đã thành lập thêm một chi bộ đảng, gọi là Chi bộ đường phố, gồm 3 đảng viên.
Từ tháng 3/1931, do sự đàn áp, khủng bố của địch, các đảng viên cốt cán của Chi bộ binh bị bắt, đảng viên trong chi bộ bị phân tán, mất liên lạc nên hoạt động rất khó khăn, dần dần đi tới tan rã. Chi bộ đường phố cũng dần bị vô hiệu hóa.
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đến một năm, nhưng hai chi bộ, đặc biệt là Chi bộ binh là "hạt giống đỏ nảy mầm xuân lịch sử" ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên, đánh dấu thời khắc “hạt giống” tư tưởng cách mạng của Đảng chính thức được “gieo trồng” trên quê hương Kon Tum.
Chính hạt giống đỏ ấy đã quy tụ các tầng lớp nhân dân Kon Tum về một mối, hướng họ cùng quan tâm đến một mục đích: đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc, giải phóng quê hương; tạo ra nhịp cầu nối liền cách mạng Kon Tum với phong trào cách mạng trong nước. Đưa ánh sáng của Đảng đến với Kon Tum và soi đường, chỉ lối, tạo thêm sức mạnh và niềm tin để nhân dân các dân tộc Kon Tum vững bước trên con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho quê hương, cho dân tộc.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum tập I (1930-1975), sự ra đời của chi bộ đảng ngay trong năm 1930 là sự kiện có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ tiến trình phát triển của phong trào cách mạng ở Kon Tum.
Đây là kết quả của một quá trình vận động, phát triển tất yếu của phong trào cách mạng tỉnh Kon Tum, từ tự phát đến tự giác, từ chủ nghĩa yêu nước đến giác ngộ cách mạng, đi theo con đường của Đảng Cộng sản.
Và đặc biệt, sự ra đời ấy đã đặt nền móng cho quá trình thành lập và phát triển, đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh Kon Tum sau này.
|
2. Ngày 25/8/1945, trong mùa Thu Cách mạng Tháng Tám, nhân dân các dân tộc Kon Tum vùng lên giành chính quyền. Ngày 25/8, tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, giữa tháng 10/1945, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tăng cường cán bộ lên Kon Tum lãnh đạo xây dựng lực lượng cách mạng và chuẩn bị thành lập tổ chức đảng.
Cuối năm 1945, chi bộ đảng ở Kon Tum được thành lập gồm 6 đồng chí. Chỉ sau thời gian ngắn, chi bộ đã phát triển, kết nạp đảng viên mới và tách số đảng viên trong quân đội thành lập chi bộ nữa.
Dù sau khi thực dân Pháp tái chiếm Kon Tum (tháng 6/1946) tổ chức đảng của tỉnh bị tan rã, nhưng một số đảng viên tiếp tục ở lại hoạt động gây dựng cơ sở. Tháng 7/1947, Xứ ủy Trung kỳ quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Khu Đông (huyện Kon Plông) và Khu Bắc (huyện Đăk Glei), Ban cán sự Đảng các Khu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo gây dựng, mở rộng cơ sở chính quyền và thu được nhiều kết quả.
Tháng 3/1948, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập hai ban cán sự đảng trên thành Ban cán sự đảng tỉnh Kon Tum. Từ đó, Ban cán sự đảng tỉnh tiếp tục xây dựng và củng cố về mọi mặt, tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng ở Kon Tum.
Và một trong những di tích ghi đậm dấu ấn trong giai đoạn Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân dân Kon Tum chiến đấu và chiến thắng thực dân, đế quốc là Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.
Đi trên đường phố trong những ngày thu năm 2023 này, tôi lại nhớ đến cảm giác thiêng liêng lần đầu tiên đến thăm Khu di tích.
Theo Hồ sơ di tích, vào tháng 8/1959, khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn cam go nhất, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam sát hại đồng bào và chiến sĩ cách mạng, Ban cán sự Tỉnh ủy Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn, đầu sỏ, và đã chọn địa điểm suối Đăk Y Hai thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động.
Đây là vùng có địa hình chia cắt rất phức tạp, một hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh vô cùng hiểm trở “dễ thủ khó công”. Ngược lại, đây lại là địa bàn rất thuận lợi cho ta về hệ thống liên lạc, là cửa ngõ nối liền miền Bắc XHCN; phía Đông là căn cứ Khu ủy Khu V; phía Nam là căn cứ cách mạng Tam Rông, Tu Kép, Tu Thó; phía Tây là vùng căn cứ cũ rất thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ do Khu ủy Khu V giao phó.
Bên cạnh đó, địa bàn còn có đủ điều kiện để tổ chức tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm khá dồi dào cho quá trình hoạt động cách mạng lâu dài.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, cơ quan Tỉnh uỷ đã đứng chân hoạt động trong suốt 12 năm (1960-1972), chỉ đạo quân và dân Kon Tum giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường, góp phần đánh bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy mãi là địa chỉ đỏ, là biểu tượng lòng kiên trung cách mạng của quân và dân tỉnh Kon Tum. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 2/8/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND xếp hạng Khu Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum (giai đoạn 1960-1972) là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
|
3. Từ ngày 25/9/1930 ấy, đến nay đã 93 năm!
Thế hệ nối tiếp những thế hệ đã và đang viết thêm những trang sử mới cho quê hương Kon Tum.
Theo đồng chí Y Vêng- nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của địa phương, Đảng bộ tỉnh đã sáng suốt, linh hoạt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn, lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Điều rất quan trọng là Đảng bộ tỉnh ngày càng tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học quý báu làm tiền đề hết sức quan trọng để tiếp tục lãnh đạo tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm, linh hoạt, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, tìm tòi hướng đi mới, phát triển sản xuất - kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân; thử nghiệm cách làm mới, tư duy mới trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó nổi bật là cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là những dấu ấn trong triển khai các phong trào lớn về văn hóa - xã hội, như thực hiện hiệu quả cao các phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; "xây dựng nhà tình nghĩa", "nhà tình thương"; xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng quỹ vì người nghèo; xây dựng nông thôn mới; thực hiện xã hội hóa y tế, xã hội hóa giáo dục.
Phong trào nào, cuộc vận động nào, chương trình nào cũng mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, lan tỏa mạnh mẽ và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Và trong quá trình phát triển, kinh nghiệm và bài học gần dân, sát thực tế, đối thoại và đồng hành với cơ sở cũng được thực hiện nghiêm túc, trở thành hành trang vô cùng thiết thực thời đổi mới, phát triển và hội nhập.
Chặng đường phía trước thật thênh thang rộng mở, song cũng không ít khó khăn. Tuy nhiên, có mưa gió bão bùng nhưng cũng có nắng vàng rực rỡ và tương lai vẫy gọi.
Bao thế hệ cha anh đã gắn chặt đời mình với sứ mệnh vì độc lập tự do. Nhiệm vụ của chúng ta và những thế hệ tiếp theo là viết nên câu chuyện về một Kon Tum giàu mạnh.
Để xứng đáng với tinh thần ngày 25/9/1930 trường tồn!
Hồng Lam