Tăng cường vận động quần chúng tham gia các tổ chức chính trị - xã hội
Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông tập trung lãnh đạo cả hệ thống chính trị của huyện triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các đoàn thể chính trị-xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương ngày càng giàu mạnh.
Đồng chí Y Thị - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Plông cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 7/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tập hợp quần chúng vào các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh” (Chỉ thị số 06-CT/TU), Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, cải tạo vườn tạp, xây dựng mỗi hộ 1 vườn rau gia đình, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Qua đó, đã xây dựng và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đoàn, hội; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo sự đồng thuận và thống nhất hành động trong nhân dân.
|
Già làng A In ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành kể lại: Từ khi có chủ trương xoá bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp của Tỉnh ủy, người dân trong thôn đã bỏ hẳn tình trạng tảo hôn, đau ốm mời thầy mo cúng bái, uống rượu nhiều đêm trong các lễ hội, đám cưới, đám tang và các sinh hoạt dân gian truyền thống khác. Thay vào đó, người dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới theo chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình với thế mạnh của địa phương. Thôn Kon Chênh hiện có 105 hộ, nhưng đã thâm canh 30 ha lúa nước 2 vụ, canh tác 21 ha cà phê catimo, nuôi 120 con trâu và có 8 hộ tham gia homestay phát triển du lịch sinh thái... Nhờ vậy, đến nay toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, chủ yếu là những hộ già cả không có sức lao động.
Bí thư Chi bộ thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen) A Hùng tâm sự: Toàn thôn có 151 hộ, nhưng đã gieo cấy 170 ha ruộng lúa các loại giống mới, năm vừa qua bán được 200 tấn lúa, thu lãi trên 700 triệu đồng. Ngoài ra, chăm nuôi 250 con trâu, 90 con bò, 30 con dê, 50 con heo địa phương, hơn 600 con gia cầm, tất cả đều có chuồng trại và tiêm phòng vác xin phòng bệnh đầy đủ. Đặc biệt, có 10 hộ gia đình tham gia homestay, thu từ 5-6 triệu đồng/hộ/tháng; 3 đội cồng chiêng thu về 24 triệu đồng/đội/tháng. Nhờ đó, thôn Kon Vơng Kia chỉ còn 10 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo đều do thiếu sức lao động do già yếu, đau ốm. Tất cả người dân trong thôn đều tham gia vào các tổ chức chính trị-xã hội, được tuyên truyền đầy đủ về pháp luật nên tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, trộm cắp tài sản… không còn xảy ra.
Để cụ thể hóa Chỉ thị số 06-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị của huyện xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên, để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo tiêu chí “4 có”, nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên học tập, nghiên cứu để nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, thông tin phản ánh của lực lượng này đã giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời các sự việc nóng, điểm nóng ở cơ sở, qua đó góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông lãnh đạo UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã cho đoàn viên, hội viên và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp; đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, thành viên hội đồng quản trị các hợp tác xã, từ đó quần chúng tự nguyện tham gia vào các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nhiều. Đến nay, toàn huyện đã có 20.536 người tham gia vào các tổ chức chính trị-xã hội, đạt trên 85% tổng số người trong độ tuổi hội viên, đoàn viên trên địa bàn.
|
Hằng năm, Hội Nông dân, Huyện đoàn, Phòng Dân tộc, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Plông tổ chức nhiều cuộc tham quan với trăm lượt người tham gia học tập các mô hình kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, trên cơ sở đó, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn như: mô hình trồng và chăm sóc cây dược liệu, cà phê xứ lạnh, chè dây, sả java, cá niêng, heo đen địa phương, du lịch cộng đồng.
Hiện nay, huyện Kon Plông có 50 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng số vốn gần 182,4 tỷ đồng, có 509 thành viên tham gia, trong đó 127 thành viên là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có 286 lao động thường xuyên tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đến nay toàn huyện còn 22,27% hộ nghèo, 9,15% hộ cận nghèo.
Đồng chí Y Thị - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Plông cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU đối với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện tốt Quy chế phối hợp thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, làm “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng huyện Kon Plông ngày càng phát triển.
Lương Thị Dân