Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục khắc phục với quyết tâm cao nhất, giải pháp cụ thể nhất.
Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 968/CĐ-TTg về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Công điện nêu rõ: Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/ 2022, quy chế làm việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
|
Tuy nhiên, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Nhìn nhận thực tế, đây cũng là những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh ta.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, rà soát chức năng, nhiệm vụ, quy chế của đơn vị, địa phương, kịp thời khắc phục sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, bố trí, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức đảm bảo tính thống nhất, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Đồng thời, chỉ đạo và thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát góp phần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
|
Tuy vậy, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Công tác quản lý cán bộ, công chức ở một số đơn vị chưa chặt chẽ.
Một bộ phận công chức, viên chức năng lực còn yếu, ý thức trách nhiệm và chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức mắc sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực thi công vụ còn phải xem xét xử lý kỷ luật.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, có 4 cán bộ công chức, viên chức bị cơ quan công an khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; 1 viên chức bị điều tra vì vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Tại Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Về phía tỉnh, việc thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ là động lực quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc.
Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất, để kịp thời phát hiện và thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trực tiếp đến đề án, dự án, không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết.
Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm rõ ràng, không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
Thực hiện có hiệu quả và thực chất quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Từ đó tạo cơ sở pháp lý xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.
Đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022-2025; bảo đảm tiến độ công khai thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước kịp thời, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện. Thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng chính quyền số.
Và cuối cùng, phát huy hiệu quả các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, như tiếp dân, đối thoại trực tiếp, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Sông Côn