Sa Thầy đột phá trong công tác đánh giá cán bộ
Ngày 29/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã ra Quyết định số 709 về ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (Quy định) trong hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Đây là một trong những nội dung được Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy xác định là khâu đột phá trong công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, căn cứ, nguyên tắc đánh giá; tiêu chí, thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy trình đánh giá... và các biểu mẫu phiếu đánh giá xếp loại hằng tháng áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo khối Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, khối chính quyền cấp huyện, cấp xã; lãnh đạo các trường học trực thuộc UBND huyện; đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện; đối với lao động hợp đồng công tác tại các cơ quan, đơn vị; đối với bí thư tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy.
Việc đánh giá CBCCVC, người lao động hằng tháng với những biểu mẫu cụ thể được Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng rất sát với thực tế ở từng vị trí việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ áp dụng quy định, quy trình đánh giá trong thực tiễn. Thông qua việc thực hiện Quy định này, các cơ quan, đơn vị đã lượng hóa công việc chuyên môn thành những tiêu chí cụ thể cho từng vị trí việc làm; đồng thời giúp mỗi CBCCVC, người lao động chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch, thay vì cứ phải "chạy theo" công việc như trước đây, để nhiều việc dồn cùng một lúc xử lý chậm, chất lượng hiệu quả công việc không cao.
|
Ông A Thuy - Chủ tịch UBND xã Sa Bình chia sẻ: Sau khi có Quy định, CBCCVC tự xây dựng kế hoạch với từng phần việc cụ thể trong ngày, trong tuần, nhờ vậy đã giải quyết nhanh gọn những hồ sơ tồn đọng trong năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm 2022, số hồ sơ về đất đai, bảo trợ xã hội được giải quyết nhanh gọn, giảm 85% hồ sơ tồn đọng so với năm 2021.
Ông Đào Xuân Thủy - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Bám sát Quy định, Chi bộ, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray xây dựng tiêu chí đánh giá CBCCVC, người lao động trong đơn vị hằng tháng với thang điểm là 100 điểm. Theo đó, từng vị trí việc làm từ lãnh đạo đến nhân viên văn phòng, nhân viên thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đều được lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể. Ví dụ như đối với cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý bảo vệ rừng chúng tôi cấp smart phone có phần mềm thống kê cụ thể về số lượt đi tuần tra, số km đi tuần tra tương ứng với hình ảnh cuối tuyến đường kiểm tra…, làm cơ sở đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, nhân viên. Nhờ lượng hóa tối đa các tiêu chí đã có tác động tích cực đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị.
|
Theo ông Đinh Trọng Lịch - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sa Thầy, Quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy cũng quy định phân cấp thẩm quyền đánh giá, nhận xét CBCCVC, người lao động rõ ràng, cụ thể hơn trước. Trên địa bàn huyện Sa Thầy có 94 đơn vị triển khai thực hiện; trong đó, có 11 cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội; 18 cơ quan, đơn vị khối chính quyền; 11 đảng bộ xã, thị trấn; 17 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy và 17 trường học. Tổng số CBCCVC, người lao động được đánh giá, xếp loại hằng tháng là 2.001 người, số cán bộ thuộc Trưởng phòng GD&ĐT huyện đánh giá, báo cáo UBND huyện là 37 người; số CBCCVC, người lao động thuộc diện người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đánh giá là 1.888 người. Việc phân cấp rõ thẩm quyền đánh giá nhằm đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong CBCCVC và người lao động.
Việc đánh giá CBCCVC, người lao động theo Quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy, ngay từ khi mới triển khai đã đi vào thực chất, tạo không khí dân chủ, công khai, minh bạch, giảm dần tình trạng chạy theo thành tích, hình thức. Tỷ lệ CBCCVC, người lao động được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dưới 20%. Bên cạnh đó, với những kế hoạch và tiêu chí cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị đã thẳng thắn nhận xét, đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với một số CBCCVC, người lao động.
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Huyện ủy tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát quy trình, hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Quy định. Khuyến khích việc sáng tạo, đổi mới trong công tác đánh giá, nhận xét cán bộ phù hợp với thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, thông qua đánh giá, xếp loại CBCCVC để biểu dương, khen thưởng CBCCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là căn cứ để đánh giá, xếp loại CBCCVC và đảng viên hằng năm. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để Ban Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm và thực hiện chính sách đối với CBCCVC theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương" - ông Đinh Trọng Lịch, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết.
Qua 8 tháng triển khai thực hiện, mặc dù vẫn còn hạn chế nhất định, song sự đổi mới và hiệu quả bước đầu trong công tác đánh giá, nhận xét cán bộ theo Quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy rất đáng ghi nhận. Đây chính là tiền đề quan trọng có tính đột phá để huyện Sa Thầy tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác đánh giá cán bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trang Nhung