Hành động để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ
Hiện nay, tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ vẫn là vấn đề nan giải. Do đó, việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ quyền của phụ nữ, xây dựng xã hội văn minh, phát triển.
Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và được cụ thể bằng những chương trình, chính sách như Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030...
Ở tỉnh ta, các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức và toàn xã hội đã chú trọng triển khai các chính sách, tăng cường các hoạt động nhằm ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 45 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 50 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hoạt động thiết thực như cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hoá. Các địa phương đã xây dựng được 140 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ nạn nhân bạo lực có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khoẻ, tính mạng; 100 đường dây nóng ở cộng đồng để người dân thông tin, báo cáo các vụ việc bạo lực xảy ra trong gia đình và cộng đồng, góp phần ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên và các trường học thành lập được 55 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” giúp các trẻ em gái được nói lên tiếng nói của mình, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân…
|
Dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng thực tế nhìn nhận, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Bạo lực diễn ra dưới nhiều hình thức như thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục, nhưng lại khó phát hiện do nhiều nơi cộng đồng thờ ơ; nạn nhân thường e ngại, không khai báo.
Những tác động từ bạo lực giới và bất bình đẳng giới gây ra không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của gia đình và cộng đồng. Do đó, việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ cần thiết vì sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngày 25/11 hằng năm được Liên hiệp quốc lấy là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Và, chúng ta cũng đang trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (từ 15/11 - 15/12/2024).
Đây chính là dịp cao điểm tuyên truyền, nhắc nhở toàn xã hội trong việc chung tay hành động để xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngày 28/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3872/KH-UBND về việc Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
|
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em. Chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, nâng cao hiệu quả thực hiện bình đẳng giới là một chiến lược lâu dài, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội. Đối với mỗi người phụ nữ, cần nâng cao nhận thức về giá trị bản thân, nâng cao trình độ hiểu biết, đặc biệt là kiến thức gia đình, kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngoài cộng đồng để tự bảo vệ mình và lên tiếng khi bị bạo lực.
Thiên Hương