Lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế
Với quyết tâm chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân và dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, nhất là sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, biến động về giá cả nguyên, vật liệu và dịch bệnh, thiên tai. Song, với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/12/2022 “về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023” đã đề ra và đạt được nhiều kết quả quan.
|
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, những chỉ tiêu quan trọng đã đạt được như: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây Nguyên; thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.200 tỷ đồng, đạt 129,4% dự toán Trung ương giao và bằng 93,3% dự toán tỉnh giao; GRDP bình quân đầu người khoảng 58,42 triệu đồng, đạt 102,49% kế hoạch, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 27.035 tỷ đồng, đạt 100,13% kế hoạch và tăng 15,51% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 32 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân trên một xã là 15,51 tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2023, đầu năm 2024 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch.
Ngoài ra, tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, xây dựng (giá hiện hành) đạt 11.182,13 tỷ đồng, đạt 104,9% kế hoạch và bằng 118,26% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ. Ngành năng lượng tiếp tục phát huy vai trò là ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30 công trình thủy điện hoàn thành với tổng công suất là 348MW; 12 công trình khởi công xây dựng và 2 công trình xây dựng giai đoạn 2; 16 công trình đang lập dự án đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng công suất 142,6MW; 20 dự án được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 187,9MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy thủy điện lớn hoàn thành phát điện; 2 dự án nhà máy điện gió được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW.
Với quyết tâm chính trị, trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung vào các nhiệm vụ triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh (tại Thông báo số 376/TB-VPCP, ngày 13/9/2023 của Văn phòng Chính phủ), trong đó tập trung hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua Đề án phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2023 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng. Đặc biệt là các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế tại các vùng động lực của tỉnh.
|
Bên cạnh đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Mở rộng diện tích, phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là xây dựng nông thôn mới và xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
Tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi; phát triển chăn nuôi đại gia súc lấy thịt và sữa. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản. Chú trọng phát triển, khai thác các ngành dịch vụ có lợi thế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh…
Với sự đoàn kết, thống nhất và với quyết tâm cao nhất trong nội bộ cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, tin chắc rằng trong năm 2024, toàn Đảng bộ tỉnh sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Dương Đức Nhuận