Kỷ luật cán bộ trên tinh thần “trị bệnh cứu người”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển. Đồng thời giữ gìn kỷ luật, xử lý nghiêm minh nhưng nhân văn, nhân đạo, trên tinh thần “trị bệnh cứu người” khi cán bộ có sai phạm.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém". Và "chăm chút cán bộ giống như người làm những vườn chăm sóc những cây quý".
Bác đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, vì không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ còn góp phần quyết định đến sự thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Bác Hồ và Chính phủ cũng phải xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tha hóa biến chất. Người nói “thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".
Dù vậy, khi nói về kỷ luật cán bộ, Người đề cao yếu tố nhân đạo, nhân văn, trị bệnh để cứu người. Người nhấn mạnh: "Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ".
Kể cả khi phê bình và tự phê bình phải có lý có tình; đấu tranh để phê phán cái xấu, kỷ luật cán bộ cũng cần có lý có tình, chú ý đến quá trình cống hiến của cán bộ, đảng viên và phải có thái độ đúng mực.
|
Trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc", Bác Hồ có nói: Trong đối xử với nhau, đừng có nặng nề, tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm như đối với "hổ mang thuồng luồng".
Phải có tinh thần xây dựng, yêu thương đồng chí, kỷ luật nghiêm nhưng vẫn phải có tình người, làm sao cho người ta sửa chữa được khuyết điểm và tiếp tục vươn lên để trở thành người tiến bộ, tích cực thì có lợi cho Đảng và nhân dân chứ không phải kỷ luật để vùi dập, đưa họ vào bước đường cùng.
Người nhắc nhở rằng, qua kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu sửa chữa, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha.
Nếu thấy cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì phải chỉ rõ chứng cứ, kết luận chuẩn xác, không chủ quan, áp đặt; phải để đối tượng kiểm tra được bày tỏ ý kiến của mình về những khuyết điểm, vi phạm đó và tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật một cách tâm phục, khẩu phục.
Người chỉ rõ và yêu cầu: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước cũng xử lý nghiêm đối với những cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và nhân dân, nhưng lại rất nhân văn.
Các cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng cũng bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm khuyết điểm. Ngay cả những người bị xử lý cũng nhận thấy sự khoan dung, độ lượng, nghiêm minh song không hà khắc. Điều này được nhân dân và ngay cả trong Đảng rất đồng tình.
Hiện nay, việc chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Một số vụ trọng điểm còn đang tiếp tục làm, rõ đến đâu làm đến đó, từng bước thận trọng, khách quan, nghiêm minh.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta là làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản để người mắc khuyết điểm “tâm phục, khẩu phục”. Quy trình xử lý cán bộ sai phạm được thực hiện chặt chẽ, với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính, từ đó giúp những ai đã trót “nhúng chàm” nhận ra lỗi lầm của mình.
|
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại, rất khổ tâm, đau xót”.
Tinh thần nhân văn thể hiện rõ qua việc Ban Chấp hành Trung ương đã có những quy định cụ thể về tình tiết giảm nhẹ để động viên cán bộ có vi phạm tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Hay khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.
Tính nhân văn cũng được thể hiện rõ trong Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng: đối với đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.
Mới đây, chiều 13/6, tại buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (tháng 1/2021) đến nay, đồng chí Lương Cường- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, không có vùng cấm, song trên tinh thần "nhân văn, trị bệnh cứu người".
Xét cho cùng, mục đích của kỷ luật không phải để vùi dập, để “triệt hạ”, mà là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để tiếp tục vươn lên để trở nên tiến bộ, tích cực.
Đây cũng là góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh!
Sông Côn