Cải tạo vườn tạp - Chi bộ là hạt nhân, đảng viên là nòng cốt
Sa Thầy là huyện thuần nông, hơn 80% dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp. Huyện có 486ha đất vườn, hầu hết các hộ gia đình ở khu vực nông thôn đều có đất vườn từ 200 - 1.000m2, nhưng phần lớn bà con bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, làm lãng phí nguồn lực từ đất.
Trước thực trạng này, Huyện ủy Sa Thầy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 25/10/2021 về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 07) nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Huyện ủy đã thành lập các tổ công tác, phân công các cơ quan, đơn vị giúp từng xã, từng thôn, làng xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ vườn tạp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao. Huyện ủy Sa Thầy đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “Chi bộ là hạt nhân, đảng viên là nòng cốt, đảng viên đi trước làng nước theo sau”.
Để triển khai Đề án 07, Chi bộ làng Le, xã Mô Rai đã tổ chức nhiều hội nghị, có những hội nghị mời mở rộng đến già làng, người có uy tín và hộ dân tiêu biểu bàn biện pháp thực hiện. Làng Le là nơi sinh sống của đồng bào Rơ Măm, làng có 178 hộ với 536 nhân khẩu. Cái khó của làng Le là nhận thức và trình độ canh tác của đồng bào Rơ Măm còn lạc hậu; khí hậu thời tiết vùng biên giới Mô Rai khắc nghiệt lại thiếu nguồn vốn để chuyển đổi cây trồng.
|
Theo đồng chí A Thái - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le, Đề án 07 là một chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân, triển khai thành công sẽ góp phần giúp bà con giảm nghèo, nâng cao đời sống. Chi bộ làng Le quyết định chọn đảng viên làm trước để người dân học tập, làm theo. Quá trình tiến hành cải tạo vườn tạp, Chi bộ và nhân dân làng Le nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy và Tổ Huyện ủy viên phụ trách địa bàn xã Mô Rai.
Huyện ủy Sa Thầy chỉ đạo Tổ Huyện ủy viên, phân công cơ quan chuyên môn, cán bộ có kinh nghiệm giúp xã Mô Rai và làng Le hướng dẫn từng người dân kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc cây. Huy động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân gần 800 cây giống và hệ thống tưới nước nhỏ giọt do các hộ dân đối ứng với kinh phí trên 300 triệu đồng. Đến nay, Chi bộ làng Le đã tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo được 10,4 ha vườn tạp để trồng cây cao su, sầu riêng, mắc ca có giá trị kinh tế cao.
Đảng viên A Niểu - Chi bộ làng Le phấn khởi cho biết: Được Chi bộ chọn làm trước, được Tổ Huyện ủy viên giúp đỡ, năm 2021, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 2ha vườn tạp sang trồng cây cao su, cây sầu riêng. Hiện nay, vườn cây của gia đình ông đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao, làm thay đổi cuộc sống của gia đình trong tương lai không xa.
Đồng chí Ngô Công Phương - Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Đề án 07 cải tạo vườn tạp, Đảng ủy xác định mỗi đảng viên ở thôn (làng) phải là những người tiên phong đi đầu. Hiện 6 đảng viên đã hoàn thành việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca… Đặc biệt là việc thực hiện công tác cải tạo phải gắn với ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, xã Mô Rai đã có hơn 10ha vườn tạp được cải tạo.
Bằng cách làm đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã lãnh đạo các chi bộ, đảng bộ trực thuộc, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 07.
|
Ông A Plưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, cơ quan trực tiếp tham mưu Đề án 07 cải tạo vườn tạp cho biết: Từ đầu năm đến nay huyện Sa Thầy đã vận động từ các nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn chương trình mục tiêu, nguồn lực trong nhân dân được 12.882 triệu đồng để triển khai Đề án cải tạo vườn tạp. Trong đó, nguồn sự nghiệp khuyến nông 322 triệu đồng; nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia 3.530 triệu đồng; nguồn xã hội hóa do Ban Thường vụ Huyện ủy vận động 1.135 triệu đồng; nguồn nhân dân thực hiện mua cây giống 7.895 triệu đồng. Để việc phát triển cây ăn quả bền vững, huyện Sa Thầy đã vận động nhân dân đầu tư hệ thống nước tưới tiết kiệm, với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.
Đến nay, toàn huyện Sa Thầy đã cải tạo được hơn 860 ha vườn tạp, riêng năm 2024, cải tạo được hơn 730 ha, đạt 112% Kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, cây sầu riêng 536 ha, cây mắc ca 108ha, cây khác 62 ha và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với nhiều mô hình hay như: trồng cây sầu riêng ghép diện tích 10 ha với 59 hộ tham gia ở xã Ya Xiêr; xóa vườn tạp trồng sầu riêng ở 2 xã Ya Tăng, Ya Ly với 75 hộ tham gia; trồng xen canh cây sầu riêng ở xã Mô Rai… Qua đó, góp phần tạo sinh kế bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS. Đây là một trong những giải pháp được huyện Sa Thầy thực hiện nhằm tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông A Plưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết thêm.
Thành công của huyện Sa Thầy trong cải tạo vườn tạp không chỉ ở những con số biết nói trên, mà còn cho thấy trách nhiệm chính trị cao của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Điều đặc biệt hơn nữa đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, giúp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Phan Chiểu