Kiểm soát “người gác cổng”
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chỉ ra một thực tế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ngay trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Phải nói là, khi đọc thông tin liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, cảm giác đầu tiên của tôi là “choáng” trước những con số thống kê “khủng” trong đại án này. Đã có rất nhiều bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, với nhiều tội danh bị khởi tố. Và rất nhiều tiền đã bị chiếm đoạt trong thời gian dài với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tiếp đến, tôi đặc biệt quan tâm đến câu chuyện hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án. Lý do là có toàn bộ 24 thành viên đoàn thanh tra Ngân hàng SCB đều có nhận tiền, nhận quà từ bà Trương Mỹ Lan, dù ít dù nhiều.
Trong đó có tới 5,2 triệu USD hối lộ cho một cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước, trưởng đoàn thanh tra.
Thật đau lòng khi những người được giao nhiệm vụ thanh tra, tức là thực thi “gác cổng”, là lá chắn để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sớm vi phạm của cá nhân và tổ chức, lại sẵn sàng nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm.
|
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kỷ luật vừa là chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Cơ quan thanh tra, công chức, viên chức thanh tra được trao quyền hạn nhất định trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, được ví như “lá chắn”, góp phần giữ vững quy định của Ðảng, sự nghiêm minh của pháp luật.
Thế nhưng, thực tế đã có không ít cán bộ trong các lực lượng này lợi dụng “kẽ hở” trong cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Một khi trách nhiệm càng lớn thì quyền lực càng cao. Nhiều trường hợp cán bộ đã sử dụng thẩm quyền không đúng mục đích, lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích”; chi phối đối tượng, buộc đối tượng đáp ứng các yêu cầu không chính đáng; nhận hối lộ để bao che, giúp đối tượng trốn tội, không bị xử lý hoặc giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật đảng hay xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, một khía cạnh khác của hoạt động thanh kiểm tra là hạch sách, nhũng nhiễu đối tượng bị thanh tra. Từ trước đến nay, bị thanh tra, kiểm tra luôn là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chỉ ra một thực tế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ngay trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Vấn đề đặt ra là, cần có cơ chế mới giám sát, kiểm soát hoạt động thanh tra và cả những “người gác cổng”, đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra đúng trình tự pháp luật, liêm chính và minh bạch.
Trong các nghị quyết Ðại hội XII, Ðại hội XIII của Ðảng đều đặt ra yêu cầu phải hoàn thành và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
|
Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức tháng 9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện nghiêm chỉnh trước tiên ở trong chính các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Ngày 27/10, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Có thể khẳng định, Quy định 131-QĐ/TW là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt là kiểm soát tốt quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Quy định số 131 đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Nhiều ý kiến cho rằng, Quy định số 131 đi vào đời sống sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ở những lĩnh vực, vị trí công tác “nhạy cảm”.
Đồng thời thể hiện hành động quyết liệt của Ðảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Tất nhiên, để Quy định 131 thực sự đi vào đời sống, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, cán bộ thanh tra nói riêng, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; trung thực, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Ðảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải luôn luôn gắn bó với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải tránh, phải cương quyết ngăn ngừa; thậm chí ai vi phạm thì phải bị trừng trị”.
Và cần phát huy giám sát từ nhân dân. Cần phải nhìn nhận rằng, người dân có lợi thế khi là “tai mắt” ở khắp nơi, và thường rất nhạy cảm với tham nhũng, bất công.
Đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình này không chỉ làm tăng hiệu quả và liêm chính của hoạt động thanh tra, mà còn giúp người dân thực hiện tối đa quyền làm chủ của mình.
Sông Côn