Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đến nay, tỉnh ta đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuối nhiệm kỳ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện trong nhiệm kỳ: Phát triển mạnh nguồn tài lực, vật lực của tỉnh. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các công trình hạ tầng tại khu trung tâm hành chính của tỉnh, các dự án thương mại, dịch vụ. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong toàn xã hội với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đạt 67.857 tỷ đồng, đạt 57,51% mục tiêu Nghị quyết, bình quân hàng năm tăng 16,46%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt trong việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.
Đặc biệt, việc tập trung đầu tư hạ tầng đô thị và các vùng kinh tế được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Bởi vậy, trong giai đoạn 2021-2023, hạ tầng đô thị được cải thiện đáng kể, các vùng kinh tế được tập trung nguồn lực đầu tư và thành phố Kon Tum được công nhận là đô thị loại II vào đầu năm 2023.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 đô thị được công nhận và phân loại (bao gồm 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV, 6 đô thị loại V). Ngoài ra, còn có 3 trung tâm huyện (trung tâm huyện Tu Mơ Rông, khu vực Đăk Ruồng- Tân Lập, huyện Kon Rẫy và trung tâm huyện Ia H’Drai) đang được đầu tư xây dựng để dần đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V. Hệ thống đô thị cơ bản đảm bảo chất lượng, phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,26%.
|
Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đầu tư, đưa vào hoạt động. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế. Hiện tại, khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung khoảng 200ha đã được tỉnh trình hồ sơ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Cũng trong giai đoạn 2021-2023, có 14 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích xây dựng khoảng 472 ha; trong đó có 8 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích xây dựng khoảng 275 ha và 6 cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động. Đến nay, tỉnh thu hút được 61 dự án của 52 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 1.323 tỷ đồng đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; 43 dự án của 39 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 1.415 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hòa Bình và Sao Mai.
Hệ thống giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai một số công trình giao thông quan trọng trong việc kết nối vùng, giao thương kinh tế, văn hóa- xã hội.
Song song với lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng kinh tế, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng việc ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hoàn thiện.
Nhờ đó, diện tích tưới tiêu của các công trình thủy lợi đã tăng từ 21.577ha (năm 2021) lên 22.129ha (năm 2022), góp phần tích cực trong việc thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hết sức quan tâm đầu tư các công trình kè chống sạt lở nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Nhờ quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành, nên tỉnh ta huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuối nhiệm kỳ.
Dương Đức Nhuận