Dân vận khéo giúp đồng bào thoát nghèo
Để bà con đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì cần làm tốt công tác dân vận, đặc biệt cần xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”. Theo đó, hàng trăm mô hình đã được triển khai tại các vùng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh.
Ngọc Linh là một trong hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei. Tháng 6/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN & PTNT) phối hợp với chính quyền xã và 8 hộ dân triển khai mô hình trồng 2,5ha lúa nước hai vụ. Đây là diện tích lúa nước hai vụ đầu tiên được trồng tại đây.
Mục tiêu đặt ra là thông qua mô hình hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa hai vụ để nâng cao năng suất, sản lượng lúa, đồng thời, biết đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó từng bước thay đổi tập quán canh tác, góp phần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Được sự vận động của Sở NN & PTNT cùng chính quyền xã Ngọc Linh, chị Y Niu (ở thôn Kung Rang) là 1 trong 8 hộ dân đầu tiên của xã tham gia mô hình trồng lúa nước hai vụ.
|
Chị Y Niu cho hay, gia đình đã trồng thử nghiệm 2,5 sào lúa nước hai vụ vào tháng 6/2023. Đến tháng 12/2023 thì được thu hoạch, năng suất đạt khoảng 45 tạ/ha. Trước đây, gia đình chỉ trồng một vụ, cùng kỹ thuật canh tác kém nên năng suất, chất lượng thấp hơn. Lúa gieo xuống là phó mặc cho trời. Khi được tham gia vào mô hình canh tác lúa hai vụ, được hướng dẫn kỹ thuật gieo, sạ, bón phân nên diện tích lúa phát triển tốt. Tháng 6 vừa rồi, gia đình tiếp tục xuống giống lúa vụ hai trên diện tích trên.
Chị Y Hay - Trưởng thôn Kung Rang cho biết, bà con ở đây trước giờ chỉ biết trồng lúa một vụ. Năm ngoái, ngành nông nghiệp và xã vận động bà con trồng thử vụ hai, có hộ Y Niu tham gia. Thấy năng suất đạt nên năm nay có 9 hộ tự trồng lúa hai vụ với tổng diện tích khoảng 8ha. Lúa vụ một đủ ăn, nên lúa vụ hai bà con sẽ bán để lấy tiền trang trải trong sinh hoạt.
Thay đổi một thói quen bao đời ở vùng đồng bào DTTS không phải là đơn giản. Nhưng với sự quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và ý chí vươn lên của người dân những mô hình “mang tên” dân vận khéo bước đầu khẳng định được hiệu quả từ một chủ trương đúng.
Ông Thái Văn Tưởng - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Khi đưa các mô hình “Dân vận khéo” vào triển khai, hầu hết người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và dần dần biết tích góp của cải vật chất, vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế, dần biết tiết kiệm chi tiêu, dùng tiền tiết kiệm đó để mở rộng các mô hình sản xuất và trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Đối với mô hình lúa vụ hai, thông qua mô hình đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con trên địa bàn xã, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Kế hoạch 133-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng).
|
Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đúng với nội dung yêu cầu đề ra; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, huyện Đăk Glei đã xây dựng được 47 mô hình với hơn 700 hộ tham gia đang duy trì phát triển và được xây dựng mới như Ban Dân vận với mô hình hướng dẫn trồng cà phê tại các thôn Đăk Ung, Đăk Ga, Đăk Nhoong (xã Đăk Nhoong); Ủy ban MTTQ huyện với mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Đăk Pék và thị trấn Đăk Glei; Hội Nông dân huyện có 10 mô hình; Huyện đoàn 10 mô hình; Hội LHPN huyện 20 mô hình; Hội CCB 5 mô hình.
Tính đến tháng 9/2024, các cơ quan trong toàn tỉnh đã thành lập được 55 tổ hỗ trợ, giúp đỡ các xã khó khăn theo Kế hoạch 133 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó có 22 cơ quan, đơn vị của huyện Đăk Glei với 82 mô hình “Dân vận khéo” hỗ trợ 468 hộ.
Các đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức 80 đợt tuyên truyền, mở 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau, cây ăn trái, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt; hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón cây trồng, phòng ngừa bệnh trên gia súc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhìn chung, các mô hình “Dân vận khéo” đã và đang triển khai bám sát tình hình thực tế và nhu cầu của người dân. Nhân dân rất phấn khởi, đồng thuận hưởng ứng và tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ trong việc triển khai mô hình. Tin tưởng, đây sẽ là “đòn bẩy” để bà con đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Dương Nương