Đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự đại hội
Trong bài viết có tầm quan trọng đặc biệt “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để tiến hành tốt đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy cần tập trung vào 3 vấn đề chính, trong đó vấn đề thứ ba là đặc biệt chú trọng chuẩn bị nhân sự đại hội.
Theo đó, cần ý thức sâu sắc, chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội; xa hơn, đó là sự chuẩn bị nhân sự cho tương lai phát triển của tổ chức đảng, sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; rộng hơn, đó là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; cấp ủy viên được lựa chọn phải thật sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là đại diện cho đội ngũ đảng viên và được quần chúng tin yêu, tín nhiệm; các cấp ủy viên phải xứng tầm là thành viên “bộ tham mưu” chiến đấu và phải đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động, thật sự trong sạch, vững vàng, trung kiên- bài viết của Tổng Bí thư nêu rõ.
Cần phải khẳng định rằng, trước mỗi kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta, cụ thể là Bộ Chính trị, đều đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác nhân sự.
Đây cũng là công việc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi; và các phần tử xấu, cơ hội chính trị tìm mọi cách tác động, tung tin thất thiệt, xuyên tạc hòng chia rẽ nội bộ.
|
Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng (diễn ra ngày 13/3/2024), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã nhấn mạnh: Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”; phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; phải rất tỉnh táo, tinh tường “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”; phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.
Tiếp đó, ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chỉ thị nêu rõ: Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định. Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu.
Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.
Hiện nay, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng đang được triển khai với khối lượng công việc rất lớn và hệ trọng. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị, các cấp đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở đều xác định rõ tầm quan trọng của công tác nhân sự. Ở tỉnh ta, một số đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tổ chức thành công đại hội điểm.
Có thể thấy, để lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu nhất, có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ bầu vào cấp ủy các cấp, các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị đã và đang quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác chuẩn bị đại hội nói chung, công tác nhân sự nói riêng.
|
Công tác chuẩn bị nhân sự được thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ tới.
Tất nhiên, vì công tác nhân sự đại hội đảng các cấp là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không chỉ tiến hành trước và trong thời gian tổ chức đại hội mà trong suốt cả nhiệm kỳ, nên đây cũng là công việc “hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người”.
Đặc biệt, đã thành quy luật, thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp, nhất là trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại “mở chiến dịch” chống phá trên tất cả các lĩnh vực, các môi trường, bằng nhiều thủ đoạn, cách thức tinh vi, thâm độc. Trong đó, công tác nhân sự là một trọng điểm chúng tập trung chống phá quyết liệt, với quy mô, cấp độ, tần suất cao, lưu lượng tin, bài dày đặc.
Vì vậy, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm, công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán theo hướng dẫn của Trung ương; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, cài cắm “quân xanh, quân đỏ” hoặc máy móc, cứng nhắc, xa rời thực tiễn; phải bảo đảm lựa chọn được những người tốt nhất, người xứng đáng nhất, không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, nhất là nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá.
Sông Côn