Một số kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ 9 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp
Sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao (từ ngày 12 đến sáng 19/2), Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
|
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Đồng thời, công tác nhân sự đã được Quốc hội thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với ông Phan Văn Mãi; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quốc hội cũng đã bầu 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.
Đối với Nghị quyết về bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh chỉ tiêu, bao gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên; Quy mô GDP năm 2025 đạt trên 500 tỉ USD; GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5 - 5%. Các giải pháp để đạt tăng trưởng 8%, đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Trong đó cần sớm xây dựng đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng... Khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Bao gồm việc tạo đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao, triển khai hiệu quả trung tâm tài chính quốc tế;...
|
Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm 6/6 đại biểu, do đồng chí U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn.
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH trong Đoàn đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội; Tập trung nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận ở Tổ và ở Hội trường.
ĐBQH trong Đoàn đã tham gia phát biểu tham gia thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại Hội trường. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 1 văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm xem xét, hỗ trợ khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện đầu tư khắc phục, sửa chữa, nâng cấp 2 công trình giao thông trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Tại các phiên thảo luận tại Tổ ĐBQH, ĐBQH trong Đoàn đã có 10 lượt phát biểu với 28 ý kiến tham gia đối với các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;... Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);...
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiến hành 3 lần thảo luận tại Đoàn để tham gia ý kiến về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Hồ Nam