Chữa trị “bệnh” lười biếng
“Bệnh” lười biếng đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong nhiều cơ quan, đơn vị. Đây là “căn bệnh” nguy hiểm, cần phải được “chữa trị”.
Do nghề nghiệp nên tôi có không ít bạn bè đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phần lớn trong số họ đều trách nhiệm, nhiệt tình với công việc; tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao tình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, không muốn làm việc, hoặc làm việc qua loa, làm việc cho có, kể cả đó là bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình.
Và đó chính là những biểu hiện cụ thể của “căn bệnh” rất nguy hiểm: “bệnh” lười biếng.
“Căn bệnh” này không chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi mà còn ở nhiều độ tuổi khác nhau, thậm chí cả trong những bạn còn rất trẻ.
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rất sớm về “căn bệnh” này. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc”.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người cắt nghĩa: “Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”.
Người giải thích cặn kẽ: “Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng.
Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp”.
Người cho rằng, lười biếng - “lười lao động”, “lười làm việc” cũng là đắc tội với nhân dân, với Tổ quốc.
Trong các biểu hiện của “bệnh lười biếng”, rất đáng lưu ý là “bệnh” lười học tập lý luận chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo thái độ lười học tập, nhất là lười học tập lý luận chính trị, trình độ văn hóa và chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
Người nói: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng chỉ ra rằng: “lười học tập lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
|
Từ thực tế, tôi nhận thấy rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin, hiểu biết mới; không có sự trăn trở và sáng tạo trong quá trình học tập, công tác.
Đáng nói hơn là một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện lười tham gia, tham gia cho có, thậm chí tìm cách không tham gia các hội nghị, các buổi nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng, hay phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước, của ngành, dẫn đến có nhận thức mơ hồ về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Bệnh” lười học tập lý luận chính trị gây hệ lụy rất lớn đến sự tu dưỡng, rèn luyện và kết quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Vì lười học tập dẫn đến yếu kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.
Đây cũng là nguyên nhân chính làm nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan; thiếu cơ sở nhận thức khoa học để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học khi thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, “bệnh” lười học tập lý luận chính trị còn có thể làm cho cán bộ, đảng viên mắc phải bệnh hẹp hòi, bản vị, cá nhân chủ nghĩa, nặng hơn là thiếu kiên định về chính trị, mơ hồ, mất cảnh giác, a dua, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Thậm chí dẫn đến nguy cơ thay đổi lập trường, quan điểm, từ bỏ lý luận cách mạng khoa học là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng những yếu kém trong công tác giáo dục lý luận chính trị, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cổ súy cho những hành vi, thói quen lười học tập, hòng phục vụ cho mục đích không trong sáng.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, khắc phục biểu hiện lười học tập lý luận chính trị, góp phần đấu tranh làm thất bại thủ đoạn, hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch.
Đồng thời, khắc phục triệt để khắc phục “bệnh” lười biếng, bao gồm lười lao động, lười làm việc của cán bộ, đảng viên.
Trước hết, với bản thân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, cần phải có quyết tâm và nỗ lực để thực hiện nghiêm túc mỗi công việc của mình.
Không ngừng nghiên cứu, học tập mọi lúc, mọi nơi; rèn luyện thói quen làm việc hăng say, chủ động trong công việc, không để bản thân bị “lây nhiễm” sự lười biếng.
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đề ra các chủ trương, giải pháp thiết thực, vừa có tính giáo dục, thuyết phục, vừa có tính kỷ luật, kỷ cương, đề cao tính nghiêm khắc để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Ngày 13/3/2024, phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, sẽ cương quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người: “Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém”.
Đây chính là một “phương thuốc đặc trị” dành cho “bệnh” lười biếng. Cũng là lời cảnh báo đối với những người lười biếng.
Sông Côn