Đàng hoàng dạy thêm?
Việc gì phải đóng cửa kín thế? Câu hỏi của phụ huynh học sinh không chỉ xoáy sâu vào lòng cô giáo, mà còn có cả những người quan tâm đến chuyện dạy và học trong nhiều năm qua.
“Cũng có muốn thế đâu”
Gần như cả năm học, ngôi nhà của cô giáo gần nhà tôi luôn trong tình trạng cửa đóng then cài mỗi tối, khi lớp dạy thêm của cô bắt đầu.
Khi có học sinh đến, cánh cửa hé ra rồi khép lại rất nhanh. Còn phụ huynh được dặn dò cẩn thận, từ chuyện chở con đến đâu thì cho con xuống đi bộ đến nhà cô; cuối buổi đứng chờ con ở đâu, đón con thế nào.
Có phụ huynh cự nự “việc gì phải đóng cửa kín thế”. Cô phân bua: Có ai muốn thế đâu, nhưng phải làm vậy để tránh ánh mắt của nhà trường, của dư luận. Thỉnh thoảng lớp còn phải nghỉ khi có đoàn kiểm tra nữa.
Theo cô, dạy thêm phải chịu nhiều áp lực. Có những phụ huynh cho con đi học thêm nhưng vẫn bàn luận không hay, gây điều tiếng đến trường. Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở vì lo ảnh hưởng đến bản thân và đơn vị.
|
Lâu nay, dạy thêm, học thêm thực hiện theo các quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT năm 2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, để được tổ chức dạy thêm, giáo viên phải có giấy phép.
Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.
Để ngăn chặn các lớp dạy thêm “tại gia”, cơ quan quản lý giáo dục phối hợp với chính quyền, nhà trường thực thi hàng loạt biện pháp mạnh, từ quán triệt chủ trương, yêu cầu cam kết, đến thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tận nhà giáo viên.
Dù vậy, những lớp học thêm vẫn tồn tại một cách âm thầm dai dẳng, với nhiều chuyện vừa hài vừa bi như kể trên.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn lợi thế của việc học thêm. Hoạt động này góp phần củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh; phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi.
Càng không nên có cái nhìn thiếu công tâm với những thầy cô giáo có tham gia dạy thêm. Bởi không phải cứ mở lớp dạy thêm là “có vấn đề”, là tiêu cực, là vì đồng tiền mà “ép phụ huynh, học sinh phải đi học thêm”.
Tất nhiên, bên cạnh những thầy cô mở lớp một cách tâm huyết, thu học phí vừa phải, vừa bồi dưỡng cho học sinh vừa có thu nhập chính đáng, có không ít giáo viên lợi dụng vị thế của mình để o ép, buộc học trò tới lớp học thêm. Thậm chí, có giáo viên còn "đì" học trò nếu không học thêm với mình mà theo lớp của giáo viên khác.
Nhưng nếu vì thế mà xem dạy thêm là một việc làm “sai trái”, rồi lên án, cấm đoán là không ổn. Cấm dạy - học thêm tức là phủ nhận một nhu cầu có thật (nếu không nói là khá cao) của xã hội. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhà quản lý đã "cấm" không nổi, càng cấm càng nảy sinh nhiều hình thức dạy học "chui".
Cho nên, câu hỏi “việc gì phải đóng cửa kín thế” của phụ huynh không chỉ xoáy sâu vào lòng cô giáo, mà còn có cả những người quan tâm đến chuyện dạy và học trong nhiều năm qua.
Được đàng hoàng dạy thêm?
Nhưng rất có thể, tình trạng trên sẽ chấm dứt, và việc dạy thêm học thêm sẽ diễn ra “đàng hoàng”, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư mới về dạy thêm, học thêm, từ ngày 22/8 đến hết ngày 22/10.
Đại diện Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Do đó, dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành. Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức.
Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
|
Nếu Dự thảo được thông qua, giáo viên có thể đàng hoàng dạy thêm mà không phải sợ sệt vì bị coi là “hành vi sai trái”. Quan trọng hơn, thầy cô giáo sẽ không còn phải xuất hiện trước học sinh, phụ huynh với tư cách một người đang làm cái việc "không phải phép".
Nhưng cho phép dạy thêm không đồng nghĩa với việc thả nổi, buông xuôi, dẫn đến tiêu cực, biến tướng.
Nghiên cứu dự thảo, tôi thấy cũng đã lưu ý đến vấn đề này, khi yêu cầu giáo viên cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dù có thể các biện pháp giám sát này còn khá mơ hồ và chưa đủ mạnh để đảm bảo các lớp học thêm được mở ra là xuất phát từ cung - cầu thực sự, nhưng ít nhất cũng là “hàng rào kỹ thuật” để ngăn ngừa “biến tướng”.
Tất nhiên là mọi điều còn ở phía trước, khi vẫn nằm ở bước dự thảo. Nhưng ít nhất cũng cho thấy quan điểm “cởi mở” hơn với dạy thêm.
Hồng Lam