Đồng bào Xơ Đăng đón Tết Độc lập
Hàng năm vào dịp Quốc khánh (2/9- Tết Độc lập), cùng với đồng bào cả nước hân hoan tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, bà con đồng bào DTTS Xơ Đăng ở vùng khó dưới chân núi Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông cũng đón mừng ngày Quốc khánh theo cách riêng mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Thấm thoát đã 79 năm trôi qua kể từ ngày 2/9/1945 lịch sử, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Suốt 79 năm qua, vào dịp Quốc khánh, nhân dân cả nước nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng. Khác với thành thị, ở các ngôi làng vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, tổ chức đón mừng ngày Quốc khánh theo cách riêng của mình. Không ồn ào, náo nhiệt như các vùng thành thị, cách mà đồng bào DTTS Xơ Đăng đón mừng Tết Độc lập lại mang nét đặc sắc và nét đẹp riêng mà chỉ có ở vùng đồng bào DTTS.
|
Trước ngày 2/9 cả tháng trời, mỗi nhà chuẩn bị làm sẵn một ghè rượu ngon nhất, chuẩn bị cho mình những bộ áo mới, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ để đón Tết Độc lập. Đúng ngày 2/9, cả dân làng tập trung tại nhà rông văn hóa tổ chức dâng hương, báo công với Bác Hồ; tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ và cùng nhau uống chén rượu cần chúc tụng nhau sức khỏe, hạnh phúc. Họ cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã cho họ có một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Những ngày cuối tháng 8, trong cơn mưa rả rích, trong hơn 2 tiếng đồng hồ vượt hơn 100 cây số trên cung đường đèo uốn lượn, chúng tôi mới đến được xã Đăk Na. Đây là xã vùng sâu khó khăn của Tu Mơ Rông và nơi đây có hơn 95% dân số là người Xơ Đăng đang sinh sống ở 12 thôn làng. Trong 2 cuộc kháng chiến, đồng bào Xơ Đăng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ tích cực tham gia đấu tranh cùng nhân dân cả nước giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì vậy, hiện nay, Đăk Na là một trong những xã có nhiều đối tượng chính sách, có công với cách mạng nhiều nhất huyện.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã A Dũng, chúng tôi tìm đến làng Đăk Rê 2-cách trung tâm xã vài cây số, là nơi quần tụ của 40 hộ dân, với 150 nhân khẩu là người Xơ Đăng. Ngay từ đầu làng, cờ hoa được cắm dọc bên con đường bê tông chạy thẳng đến trung tâm nhà rông của làng. Xung quanh nhà rông đã được bà con dọn dẹp sạch sẽ. Phía bên trong nhà rông cũng đã được thanh niên làng lau dọn trang thờ, mâm ngũ quả chuẩn bị để ngày 2/9 dâng lên Bác Hồ kính yêu. Phía trên trang thờ là cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng được treo cẩn trọng ngay ngắn giữa nhà rông. Dưới cờ là ảnh Bác Hồ cũng được bà con trân trọng đặt giữa trung tâm nhằm bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Bác đối với đất nước, với dân tộc.
Vừa dọn dẹp trang thờ, chỉnh sửa ảnh của Bác Hồ ngay ngắn, già A Nghiêm- Bí thư chi bộ thôn vừa tâm sự: Đồng bào Xơ Đăng ở đây năm nào cũng tổ chức lễ mừng ngày Quốc khánh rất trang trọng như những ngày lễ tết trọng đại của dân tộc. Để chuẩn bị cho Tết Độc lập, mỗi nhà đều chuẩn bị ghè rượu ngon, chuẩn bị sẵn những món ăn như heo, chuột, cá, rau rừng để đến ngày lễ mang ra nhà rông dâng lên Bác Hồ, sau đó tổ chức ăn mừng Tết Độc lập ngay trong nhà rông của làng.
Cũng theo Bí thư chi bộ A Nghiêm, trong ngày 2/9, sau khi nghi lễ dâng hương, dâng hoa, báo công kính dâng lên Bác Hồ, bà con còn được thông tin về ý nghĩa của ngày Tết Độc lập, quá trình đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông để giành độc lập tự do cho dân tộc. Thông qua đó, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng công lao to lớn của Bác Hồ với đất nước và sự hy sinh của thế hệ cha anh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc để từ đó phấn đấu, ra sức học tập, lao động, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong muốn.
“Việc tổ chức Tết Độc lập ngoài mừng công, báo công, giáo dục cho thế hệ trẻ biết và hiểu rõ, từ đó nêu cao trách nhiệm, tích cực lao động, cống hiến thì đây cũng là dịp để bà con đoàn tụ, giao lưu, chia sẻ, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng cao đời sống” - già A Nghiêm cho biết thêm.
Theo A Thu- Trưởng thôn Đăk Rê 2, Tết Độc lập, bà con không chỉ tổ chức dâng hương, báo công, dâng lễ vật lên Bác Hồ kính yêu mà còn tổ chức văn nghệ, đánh cồng chiêng, múa xoang bên mái nhà rông truyền thống. Những bài cồng chiêng, múa xoang thường được chọn đánh trong ngày Quốc khánh là những bài thể hiện niềm vui mừng phấn khởi; điệu chiêng, điệu múa cũng nhịp nhàng, vui nhộn hơn. Đây cũng là dịp để bà con thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ, sống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau và gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
|
Anh A Dũng cho biết: Đã bao năm nay, tất cả 12 thôn làng của xã, bà con Xơ Đăng đều tổ chức lễ và các hoạt động mừng ngày Quốc khánh bên mái nhà rông truyền thống. Trong ngày này, bà con không chỉ tổ chức tiệc ăn mừng mà còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang với những bài mừng chiến thắng, mừng vui, ngợi ca Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước. Nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ mà bà con Xơ Đăng hôm nay đã có cuộc sống khá giả hơn, được sống trong hòa bình và hạnh phúc.
Còn tại xã Tu Mơ Rông, bà con ở các thôn làng nơi đây hàng năm đều tổ chức mừng ngày Tết Độc lập bên mái nhà rông truyền thống như những ngày Tết của đồng bào DTTS Xơ Đăng.
Già A Nea (làng thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông) tâm sự: Trong ngày Quốc khánh, trước khi tổ chức văn hóa, văn nghệ, uống rượu cần, dân làng tổ chức báo công, dâng những sản phẩm do bà con làm ra lên Bác Hồ với tấm lòng thành kính. Bà con không chỉ dâng lễ vật mà còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cồng chiêng trong ngày Quốc khánh. Năm nào có điều kiện thì làng tổ chức to hơn, vừa để kỷ niệm Tết Độc lập vừa để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của cha ông cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Đoàn viên thanh niên Y Thái (làng Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông) chia sẻ: Em rất vui vì năm nào cũng được tham dự lễ mừng ngày Quốc khánh của làng. Tại đây, em được nghe những người lớn tuổi kể về phong trào đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông. Năm nào cũng vậy, ngày Tết Độc lập, ở làng em đều tổ chức như ngày lễ chính của làng vừa để tưởng nhớ công ơn Bác Hồ, vừa kết hợp tập hợp bà con trong làng để cùng nhau chia sẻ khó khăn xây dựng mối đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Ngày Quốc khánh, Đoàn xã cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền giữa các thôn làng với nhau. Kết hợp với hoạt động đó, tiến hành tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên hiểu về truyền thống, lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Đặc biệt, thông qua đó thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ “xung kích tình nguyện-đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”...góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Với người Xơ Đăng ở các thôn làng vùng căn cứ cách mạng huyện Tu Mơ Rông, Tết Độc lập được bà con coi như một ngày lễ trọng đại trong năm. Vì vậy, hằng năm, đã trở thành truyền thống, vào ngày 2/9, dưới mái nhà rông, tiếng cồng, tiếng chiêng của người Xơ Đăng lại được vang lên đón mừng ngày lễ. Đây thực sự là hoạt động, nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào DTTS Xơ Đăng ở huyện vùng khó Tu Mơ Rông để mừng đón Tết Độc lập của dân tộc.
Phúc Nguyên