“Chạy nước rút” để về đích
Những con số thống kê cho thấy, kinh tế 9 tháng tỉnh ta vẫn có bước tăng trưởng tích cực, với nhóm ngành chủ lực giữ được nhịp độ phát triển đã có. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm phải nỗ lực “chạy nước rút” để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
Tăng trưởng 6,87%
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu 5 năm 2021-2025.
Ngay từ đầu năm, đã có những dự báo về nhiều khó khăn, thách thức tạo sức ép lên công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Trong đó nổi lên là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
|
Bên cạnh đó là các khó khăn đã tồn tại từ trước, như địa hình rộng, chia cắt phức tạp, dân cư thưa; kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; năng lực cạnh tranh của hầu hết doanh nghiệp còn thấp; đời sống của phần lớn nhân dân còn chưa cao.
Vượt qua những khó khăn ấy, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế 9 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi khả quan. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý.
Đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,87%, cao nhất khu vực Tây Nguyên. Các khu vực thể hiện “đẳng cấp” của sự phát triển đều có mức tăng trưởng khá, như khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,8%; Công nghiệp và xây dựng tăng 9,98%; Dịch vụ tăng 5,73%.
Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 19.757 tỷ đồng, đạt 73,17% kế hoạch và tăng 17,28% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 257,5 triệu USD, tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,79% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2023 ước khoảng 25.482 tỷ đồng, đạt 80,94% kế hoạch, tăng 16,93% so với cùng kỳ năm trước.
Dù được dự báo nhiều trở ngại, nhưng thu hút đầu tư vẫn ghi điểm với 8 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, tổng vốn đăng ký khoảng 1.547 tỷ đồng.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cán cân kinh tế. Trong 9 tháng, đã thu hút khoảng 1.162.450 lượt du khách, đạt 89,42% kế hoạch và tăng 20,21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt khoảng 479 tỷ đồng, đạt 149,53% kế hoạch và tăng 86,91% so với cùng kỳ năm trước.
Khác với những dự báo khó khăn ngay từ đầu vụ, sản xuất vụ mùa năm 2023 khá thuận lợi, vượt kế hoạch đề ra, với tổng diện tích gieo trồng khoảng 192.118ha, đạt 102,41% kế hoạch và bằng 101,8% so với cùng kỳ.
Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quản lý tốt.
“Chạy nước rút”
Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Nổi lên là thu ngân sách không đạt kế hoạch, với khoảng 2.442 tỷ đồng, đạt 75,2% dự toán Trung ương giao, 54,27% dự toán địa phương giao và 81,32% so với cùng kỳ.
Mặc dù UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đảm bảo tiến độ.
|
Tính đến ngày 20/9, giải ngân được 1.326,4 tỷ đồng, đạt 35,08% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao (3.781,5 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2022, dù số giải ngân tuyệt đối cao hơn 45,7 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn 16,9%.
Toàn tỉnh thành lập mới được 225 doanh nghiệp, chỉ đạt 62,5% kế hoạch và bằng 79,79% so với cùng kỳ.
Ngày 29/9, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 22-NQ/TU lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các tháng cuối năm 2023.
Theo đó, Nghị quyết đã xác định một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng từ 15,86% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.058 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 7.243 tỷ đồng trở lên.
Thành lập mới thêm từ 135 doanh nghiệp trở lên; thu hút thêm 337.550 lượt khách du lịch đến tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2%; giải quyết việc làm cho 900 lao động trở lên.
Thời gian của năm 2023 không còn nhiều, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Nghị quyết số 22-NQ/TU và của cả năm (10% trở lên), đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực “chạy nước rút”.
Về phía tỉnh, cần tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh; thực hiện tốt các giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Đầu tư công vẫn là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Vì vậy cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương năm 2023; trong đó, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các trụ sở nhà đất để tạo nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng.
Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành và địa phương cần chủ động, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, cần thiết thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình.
Hy vọng rằng, với nền tảng hiện có, tỉnh ta sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của năm 2023.
Hồng Lam