Cán bộ, đảng viên Sở VH-TT&DL góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh
Các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Sở VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị đảng viên để góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh. Qua đó, đã có nhiều ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.
Cụ thể, ở Phần thứ nhất Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, về thành tựu, mục 4 công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả (trang 5 và trang 6) nên bổ sung đánh giá thêm về kết quả xây dựng các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; trang 4, dòng 1 (từ trên xuống) “Thiết chế văn hóa…" đề nghị bổ sung thêm là: "Thiết chế văn hóa, thể thao…". Về cụm từ “Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân”, có ý kiến cho rằng đánh giá như vậy là chưa thỏa đáng. Vì, tại phần chân trang chỉ nêu sân vận động cấp tỉnh và 6/9 huyện, thành phố có sân vận động; còn các thiết chế khác chưa được đầu tư (không đưa số liệu ở chân trang).
Ở Phần III Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong phần 1 tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, huy động và sử dụng có hiệu quả… kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (trang 15), dự thảo ghi: “Tăng cường quảng bá, thu hút các doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết vào tỉnh đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường và giải quyết nhiều lao động” (dòng 14-15 từ dưới lên); có ý kiến cho rằng đã là công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên… thì sẽ sử dụng ít lao động, ghi như trên là chưa hợp lý, do đó đề nghị bỏ “và giải quyết nhiều lao động”.
Tại trang 19 (dòng 11-13 từ trên xuống) dự thảo ghi “nhất là tập trung nguồn lực đầu tư, tôn tạo, nâng cấp di tích lịch sử Ngục Kon Tum; bảo tồn, phát triển các dân tộc có số lượng ít người trên địa bàn”; có ý kiến nêu như trên là không hợp lý, chưa rõ nghĩa, thứ nhất là bảo tồn văn hóa hay bảo tồn cái gì, thứ hai nếu dân tộc ít người trên địa bàn thì có rất nhiều, dân tộc sinh sống lâu đời tại chỗ, dân tộc đã di cư từ các vùng khác đến Kon Tum trong những năm qua, do đó đề nghị bố cục, viết lại lại phần này và đưa đoạn “bảo tồn, phát triển các dân tộc có số lượng ít người trên địa bàn” vào phần trên, sau đoạn truyền thống các DTTS “Tiếp tục triển khai có kết quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS đã sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh, nhất là các dân tộc có số lượng người ít trên địa bàn”.
Tương tự tại dòng 15 (từ trên xuống), trang 19 dự thảo ghi “Tích cực giáo dục truyền thống cách mạng gắn với tuyên truyền… hình ảnh của địa phương”. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức chính trị -xã hội, ngoài nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân về truyền thống cách mạng, còn có nhiệm vụ giáo dục về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như lòng nhân nghĩa, tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách, truyền thống hiếu thảo với cha mẹ…, cho nên đề nghị bổ sung cụm từ “và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc” sau chữ truyền thống cách mạng. Câu trên trở thành “Tích cực giáo dục truyền thống cách mạng và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với tuyên truyền… hình ảnh của địa phương”.
Trang 21, dòng 2-3 (từ dưới lên) dự thảo ghi “Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng khi đề xuất, tiếp nhận các dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn”. Trong bối cảnh hiện nay và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập với thế giới bên ngoài, điều đó tất nhiên ngày càng có nhiều đối tác đến để giao lưu, tiếp xúc quan hệ và làm ăn, trong đó có các tổ chức phi chính phủ, có tổ chức vì mục đích tốt đẹp, có tổ chức vì mục đích xấu âm mưu chống phá Nhà nước ta, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với các thế lực thù địch là điều hiển nhiên, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài. Tuy nhiên, nếu ghi như trên sẽ dễ gây hiểu lầm, vì vậy đề nghị thay chữ “nâng cao cảnh giác” bằng chữ “thận trọng, cân nhắc”: “Thận trọng cân nhắc khi đề xuất, tiếp nhận các dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn”
Cao Cường (lược ghi)