Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ
Với sự lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện từ cấp tỉnh đến cơ sở, công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào tiến trình thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
|
Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cùng với triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách cho cán bộ nữ phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương thành lập Câu lạc bộ nữ lãnh đạo, quản lý tỉnh. Đây không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn bồi dưỡng, phát hiện, hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số.
Nhờ sự quan tâm sâu sát từ các cấp lãnh đạo, nhiều kết quả cụ thể đã được ghi nhận. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 20% (tăng so với nhiệm kỳ trước), trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 3 nữ ủy viên, chiếm 23,07%; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ trực thuộc chiếm 19,08%, Ban Thường vụ chiếm 18,93%. Ở cấp xã, số lượng nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn chiếm 23,18% và Ban Thường vụ cấp xã đạt 13,71%.
Tại HĐND các cấp, tỷ lệ nữ đại biểu không ngừng tăng. Nhiệm kỳ 2021-2026, cấp tỉnh đạt 35,29%; cấp huyện 30,06% và cấp xã đạt 39,31% nữ đại biểu - một con số đáng khích lệ thể hiện sự tin tưởng của cử tri và chính quyền địa phương đối với phụ nữ trong các vị trí tham mưu, quyết sách.
Ngoài ra, tỉnh có 58 cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó phần lớn có trình độ đại học và trên đại học, 100% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong công tác cán bộ nữ.
|
Tại huyện Đăk Tô- một trong những địa phương tiêu biểu làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, công tác này được triển khai đồng bộ, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản như quy định về quy hoạch, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử nên tỷ lệ nữ nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước và tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch vào cấp ủy các cấp đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp huyện có 35% nữ trong Ban Chấp hành và 40% trong Ban Thường vụ; đối với cấp xã, các con số này lần lượt là 45,6% và 35,21%.
Cùng với công tác quy hoạch, Đảng bộ huyện Đăk Tô còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng trăm lượt cán bộ nữ được cử đi học cao học, đại học, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị.
Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Từ năm 2020 đến nay, đã có 38 lượt cán bộ nữ được bổ nhiệm, điều động và giới thiệu ứng cử, góp phần tăng cường nhân lực nữ chất lượng cao ở nhiều vị trí then chốt.
Ông Võ Bá Trung- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đăk Tô chia sẻ: Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song công tác cán bộ nữ ở huyện còn không ít khó khăn như một số cấp ủy cơ sở, lãnh đạo cơ quan đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ; một số chị em còn thiếu tự tin, chưa vượt qua những quan niệm lạc hậu của xã hội và gia đình để vượt qua khó khăn trong công tác; nguồn cán bộ nữ ở cơ sở còn hạn chế.
Nói về đội ngũ nữ cán bộ của tỉnh, bà Ngô Thị Hoàng Anh- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, nhìn chung, đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được nâng lên về chất lượng. Các đồng chí nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức; tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực; tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc; có tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận. Đó là tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nhân lực nữ hiện có. Đặc biệt, số lượng cán bộ nữ giữ vai trò chủ chốt, chuyên gia đầu ngành còn ít, một phần do định kiến giới còn ảnh hưởng sâu rộng. Việc một số địa phương, đơn vị chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ nữ cũng hạn chế cơ hội cọ xát và khẳng định bản thân của cán bộ nữ.
Để khắc phục hạn chế, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, khuyến khích và tạo động lực để phụ nữ phát triển toàn diện.
Với định hướng rõ ràng, quyết tâm cao và hành động cụ thể, công tác cán bộ nữ của tỉnh chắc chắn tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tiến tới thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới một cách bền vững.
Dương Nương