Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám thành công là thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đó cũng là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và sự chuẩn bị tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.
|
Từ lựa chọn con đường cứu nước
Trước sự bế tắc về đường lối cứu nước ở trong nước, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Đây là chuyến đi lịch sử, khởi nguồn cho quá trình lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Sau nhiều năm bôn ba, tìm hiểu và khảo sát các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới như cách mạng tư sản Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789), Người đánh giá các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của các cuộc cách mạng này là “chưa đến nơi” vì quần chúng nhân dân vẫn đói khổ.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc hướng đến ánh sáng của cuộc cách mạng này và chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại đó.
Tháng 7/1920, tiếp cận và nghiên cứu sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người đã tìm thấy con đường duy nhất đúng để cứu nước và giải phóng dân tộc ta. Đó là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp họp ở Tua (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc chuyển từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang lập trường của chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn mới - giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước; xúc tiến và chuẩn bị những điều kiện cần thiết, hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào con đường cách mạng vô sản, để từ đó đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, thác ghềnh đi đến bến bờ thắng lợi.
Đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ năm 1924-1927, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động, chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với hạt nhân là Cộng sản Đoàn; xuất bản tuần báo Thanh Niên; mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Nhờ những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ XX mà phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ tự phát sang tự giác.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1929-1930 đòi hỏi phải có một đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng. Để đáp ứng yêu cầu này, từ giữa cuối năm 1929, ở nước ta đã ra đời 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc kỳ, An Nam cộng sản Đảng ở Nam kỳ, Đông Dương cộng sản liên đoàn ở Trung kỳ.
Cuối năm 1929, nhận được tin các tổ chức cộng sản Việt Nam và nhận thức rõ những điều kiện thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi, “với tư cách đặc phái viên Quốc tế cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Hồ Chí Minh từ Xiêm đến Hồng Kông triệu tập và chủ trì Hội nghị đầu năm 1930 hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tiêu biểu nhất là Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng- Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sĩ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Và chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Trực tiếp lãnh đạo cách mạng
Ngày 28/1/1941, sau bao năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Khuổi Nậm (Pác Bó). Hội nghị quyết định chuyển hướng chiến lược quan trọng, đó là tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để tập hợp quần chúng cả nước đi theo cách mạng.
Nhờ việc hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, vạch ra được những chính sách cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc nên Đảng và Bác đã tập trung được các lực lượng cách mạng, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi.
Từ năm 1941-1943, cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Bác đặc biệt coi trọng. Năm 1944, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 5/1945, Người rời Cao Bằng về Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Ngày 15/5/1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập trên cơ sở thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 4/6/1945 thành lập Khu giải phóng Việt Bắc…
Tháng 8/1945, Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật ở Đông Dương hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sục sôi. Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh; ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; ngày 18/8/1945, trong “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa”, Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
|
|
Đáp lại lời kêu gọi của Bác, đồng bào ta đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa, tạo thành “một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Và chỉ trong 15 ngày (từ 14-28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nắm bắt thời cơ. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời cơ cách mạng tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta (ngày 5/9).
Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15/8, quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5/9 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều không có khả năng thành công. Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã nắm bắt thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian đặc biệt đó.
Sông Côn