“3 bám, 4 cùng” giữa đại ngàn Chư Mom Ray - Bài 1: “3 bám, 4 cùng”
Giữa đại ngàn Chư Mom Ray, từng giờ, từng ngày, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai (huyện Sa Thầy) “3 bám, 4 cùng” giúp người dân vùng biên giới Mô Rai, và đặc biệt là người Rơ Măm (một trong những dân tộc rất ít người) thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.
Mùa mưa Tây Nguyên, mọi vật nơi vùng biên giới Mô Rai dường như đều mọng nước. Tuy nhiên, con đường đi vào làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) không còn lầy lội như những lần trước đây tôi đến nữa. Thay vào đó, các tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa, hai bên đường tô điểm những vạt hoa 10 giờ bung nở với nhiều màu sắc rực rỡ.
Đi cùng Đại úy Lưu Ngọc Anh - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mô Rai, tôi được bà con chào đón bằng những cái vẫy tay thân tình, những nụ cười thân thiện.
Đến nhà rông của thôn, ông A Thái- Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le niềm nở ra đón chúng tôi. Trong câu chuyện với ông A Thái và Đại úy Lưu Ngọc Anh, tôi được biết làng Le - khu vực sinh sống của người Rơ Măm, hiện có 178 hộ dân và 546 khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây đã qua rồi những ngày luôn bị bủa vây bởi cái nghèo, cái đói. Bà con đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao. Tính đến cuối năm 2021, làng Le chỉ còn 17 hộ nghèo (chiếm 9%) và 29 hộ cận nghèo (14%).
“Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đấy nhà báo ạ! Nếu quay lại quãng thời gian trước kia, chắc chẳng ai ngờ làng Le sẽ phát triển được như bây giờ” - ông A Thái bộc bạch.
Để giúp bà con có cuộc sống ngày càng tốt hơn, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Mô Rai đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống làng Le “3 bám, 4 cùng” (3 bám: bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
|
Trong quá trình tuyên truyền, vận động, cùng với sự nỗ lực của từng cán bộ, chiến sĩ, Đồn Biên phòng Mô Rai tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng đội ngũ người có uy tín, cốt cán ở làng Le, xem đây là đội ngũ tiên phong công phá đói nghèo, lạc hậu; trong đó, đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tìm nguồn phát triển đảng. Theo đó, cùng với việc tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cán bộ, chiến sĩ quan tâm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Đảng cho người dân; đồng thời, tổ chức các hoạt động, phong trào thực tiễn thu hút đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia, rèn luyện.
Qua những việc làm tận tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, dần dà, nhiều người dân làng Le đã có ý thức phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Ông A Thái phấn khởi: Nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai và cấp ủy địa phương mà làng Le bây giờ đã đổi thay nhiều rồi! Không còn trắng chi bộ, đảng viên như trước nữa. Hiện tại làng Le là chi bộ có đông đảng viên nhất trong 7 thôn trên địa bàn. Trung bình mỗi năm gần đây, chi bộ kết nạp từ 4 -5 đảng viên mới. Điển hình như trong tháng sau, Chi bộ làng Le sẽ kết nạp thêm 6 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 32 đồng chí.
Phát huy thuận lợi khi có đội ngũ đảng viên, Đồn Biên phòng Mô Rai cùng với cấp ủy địa phương hướng dẫn Chi bộ làng Le triển khai chủ trương phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ. Cụ thể, toàn làng Le được chia thành 4 tổ (mỗi tổ khoảng 40 - 50 hộ gia đình), trung bình 5 đảng viên sẽ phụ trách một tổ. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên là tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Định kỳ cuối tháng, chi bộ sẽ tuyên dương các đảng viên có nhóm hộ phụ trách tốt, hiệu quả. Đối với những nhóm hộ nào còn yếu, Chi bộ làng Le sẽ cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai và đảng viên phụ trách tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Mô Rai còn cử đảng viên trực tiếp tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, để tham mưu, giúp đỡ chi bộ bảo đảm nề nếp sinh hoạt, cũng như đóng góp ý kiến cho công tác điều hành, lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.
Đại úy Hoàng Phúc Nam - đảng viên Đồn Biên phòng Mô Rai phụ trách làng Le đánh giá: Chi bộ làng Le hoạt động hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, mặt trận, các đoàn thể tại thôn được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, các phong trào tại thôn diễn ra khá sôi nổi, nhiều phần việc xung kích, tình nguyện được đẩy mạnh, đặc biệt trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Thanh niên trong làng thường xuyên phối hợp với chiến sĩ Biên phòng dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường biên giới, phát quang đường biên cột mốc. Các phong trào thể dục thể thao ngày càng được đẩy mạnh, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức tự rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng.
|
Cùng với sự gần gũi, gắn bó tuyên truyền, vận động bà con, xây dựng cơ sở, thời gian qua, Đồn Biên phòng Mô Rai còn triển khai nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ bà con xã Mô Rai, như: Triển khai 2 mô hình giúp dân phát triển kinh tế (mô hình trồng xen canh điều - mì cao sản và bò giống sinh sản); xây dựng mới 2 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn (trị giá 180 triệu đồng), nhận đỡ đầu 10 học sinh nghèo trên địa bàn (500 nghìn đồng/cháu/tháng); nhận 1 con nuôi đồn Biên phòng.
|
Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai đã góp phần quan trọng giúp đỡ bà con dân tộc rất ít người Rơ Măm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cuộc sống ấm no nơi miền biên giới.
Tất Thành