Xa cách nhưng không xa lạ
Tôi chấp nhận bị anh bạn “phê bình” là “sợ chết”, hay “có dấu hiệu xa lánh, kỳ thị”, để tuân thủ đúng các quy định phòng dịch, theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”.
Chiều cuối tuần, anh bạn gọi điện mời “ăn cơm thân mật” với gia đình vì con trai anh hết thời gian cách ly tập trung, an toàn về nhà. Một lý do làm tôi giật mình.
Lẽ tất nhiên là tôi từ chối, sau khi chia sẻ niềm vui với anh và chúc mừng con trai anh hoàn thành cách ly tập trung an toàn. Bởi nhiều tháng qua, tôi bắt mình tuân thủ đúng các quy định phòng dịch, theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”.
Bên cạnh đó, làm trong lĩnh vực truyền thông, tôi nắm rất rõ quy định đối với người trở về nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Trong nhiều bài viết của mình, tôi đều phê phán những hành vi không chấp hành quy định về an toàn phòng dịch trong cách ly y tế tại nhà của một số trường hợp sau cách ly tập trung.
Trên thực tế, đã có bài học đắt giá từ chùm ca F0 tại thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà và chùm F0 tại Tổ 6, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum hồi cuối tháng 10. Nếu chấp hành nghiêm, sẽ không xảy ra việc lây nhiễm như vậy.
|
Cũng xin nói thêm, trong các mối quan hệ, tôi cố gắng duy trì liên lạc theo phương châm “xa cách nhưng không xa lạ”, bởi điều kiện công nghệ hiện nay cho phép làm điều đó. Và hầu hết anh em, bạn bè đều ủng hộ khi tôi cẩn thận như vậy, vì ai cũng biết, tôi thuộc diện dễ lây nhiễm SARS-CoV-2 hơn bất cứ người khỏe mạnh nào.
Nhưng anh đã “rất không vui” khi tôi từ chối, vì theo anh, tôi “sợ chết” và “có dấu hiệu xa lánh, kỳ thị”. Dù tôi đã cố gắng giải thích với anh rằng, cháu hoàn thành cách ly tập trung, nhưng vẫn phải chấp hành quy định về cách ly tại nhà. Rằng, gia đình anh cũng vậy, không nên tiếp xúc gần với cháu, không “giao lưu” với người khác trong thời gian này…
Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Nên rất an toàn- anh nói to qua điện thoại. Rồi tắt máy.
Tôi cho rằng, hiện nay đang có không ít người có suy nghĩ như anh, hay đúng hơn là có sự chủ quan, lơ là với khâu phòng dịch. Họ cho rằng, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, nghĩa là đã được bảo vệ và có khả năng “miễn nhiễm” với Covid-19.
Cũng từ sự chủ quan ấy, một số người không thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng, chống dịch, nhất là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là tại các quán ăn sáng, quán cà phê, chợ vào buổi sáng, các quán nhậu, ăn nhẹ vào buổi chiều đều có tình trạng tụ tập đông người; bàn ghế không đảm bảo khoảng cách theo quy định... Nhiều người không đeo khẩu trang khi đi đường hay tập thể dục ở quảng trường, công viên.
|
|
Thực tế chống dịch ở địa bàn tỉnh cho thấy, tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải đã có "tấm khiên" tuyệt đối an toàn. Trong số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại tỉnh ghi nhận từ đầu tháng 10 đến nay có không ít trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (2 mũi). Gần đây nhất là 2 ca F0 325, 326 cộng đồng ghi nhận ngày 9/11 tại thành phố Kon Tum cũng đã được tiêm 2 mũi vắc xin.
"Luôn nhớ và làm theo thông điệp 5K, dù đã tiêm đủ liều vắc xin. Không phải cứ tiêm đủ vắc xin là tự do đi lại và lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Việc tiêm đủ mũi vắc xin là để tăng miễn dịch với Covid-19 và giúp người được tiêm, nếu có mắc Covid-19, thì cũng có triệu chứng nhẹ, và giảm nguy cơ tăng nặng so với những người chưa được tiêm- Giám đốc Sở Y tế, Bác sĩ chuyên khoa II Võ Văn Thanh cũng nhấn mạnh.
“Khẩu trang và xa nhau hai mét” luôn là điều các chuyên gia khuyến cáo, đặc biệt cần áp dụng trong những gia đình có thành viên mang yếu tố dịch tễ và ở nơi công cộng. Xa cách một chút nhưng an toàn.
Kể cả hiện nay, biến thể Delta đang hoành hành, có nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn so với các biến thể trước đó, thì các biện pháp phòng ngừa vẫn không thay đổi. Nghĩa là, không đến nơi đông người, giữ khoảng cách với người khác và đeo khẩu trang vẫn mang lại hiệu quả trước biến thể Delta.
Trước thực trạng trên, để thực hiện được mục tiêu “thích ứng an toàn và kiểm soát dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh, giữ vững vùng xanh, chính quyền và ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về thích ứng an toàn cũng như các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả… Đồng thời đẩy mạnh vận động người dân thực hiện nghiêm 5K, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan.
Tại các địa điểm nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, siêu thị, bến xe... tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các vi phạm. Kiểm soát tốt người dân đi/đến tỉnh; tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người dân từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến chính quyền và cơ quan y tế.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc xin.
Có thể khi đọc bài báo này, anh bạn sẽ giận tôi hơn. Nhưng biết làm sao được, vì bản thân, vì cộng đồng, vì muốn góp sức bảo vệ thành quả phòng dịch, tôi vẫn sẽ cảnh báo và tiếp tục “xa cách” với những người có yếu tố dịch tễ.
Công nghệ cho phép ta “xa cách nhưng không xa lạ”!
Hồng Lam