Vượt qua áp lực lựa chọn
Sáng 14/4, Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi chính thức được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ tuần sau, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ được thực hiện đồng loạt ở các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Ở tỉnh ta, cho đến nay, mọi công tác chuẩn bị cũng đã sẵn sàng. Hiện chỉ đợi Bộ Y tế "phát lệnh" và cấp vắc xin, ngành Y tế sẽ tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Mục tiêu đề ra là có trên 95% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (nếu cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đồng ý và ký cam kết).
Trước đó, để chuẩn bị cho chiến dịch, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai điều tra, lập danh sách, đảm bảo trẻ có đủ thông tin trước khi tiêm chủng (mã định danh, số điện thoại người giám hộ...); chia nhóm trẻ theo độ tuổi, cấp học.
Tất nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế, trẻ chỉ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi phụ huynh đồng ý.
Nhưng cũng chính vì vậy, rất nhiều phụ huynh đã đứng trước áp lực lựa chọn giữa tiêm hay không tiêm.
Tuần trước, tôi từng chứng kiến sự băn khoăn, đấu tranh tâm lý của vợ chồng chú em tên Sơn ở cạnh nhà, khi cầm trên tay tờ giấy lấy ý kiến tiêm vắc xin cho 2 con nhỏ.
Không nghi ngờ gì, với họ, đây là một quyết định khó khăn.
Trong khi Sơn muốn tiêm cho 2 con thì cô vợ lại không. Bên nào cũng có lý do của mình và đều cố gắng thuyết phục “bên kia” rằng quan điểm của mình là đúng.
Trong khi Sơn cho rằng tiêm vắc xin rồi, nếu mắc Covid-19 cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thì cô vợ nói không nhất thiết phải tiêm vắc xin, vì nhiều trẻ em mắc Covid-19 nhưng chỉ sốt, ho, sau 2-3 hôm là hết triệu chứng.
Hơn thế, cô còn lo ngại vì những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội; những cảnh báo về sốc phản vệ hoặc phản ứng sau tiêm.
Vì vậy, khi được tham vấn với tư cách độc lập, tôi hơi “hoảng”, vì trên thực tế, những gì tôi biết cũng chỉ là thu lượm được từ báo chí, bạn bè làm bên ngành Y. Vì vậy tôi đã đề nghị vợ chồng Sơn tìm hiểu thêm, và tỏ ý sẵn sàng liên hệ giúp Sơn gặp bác sĩ để tư vấn.
Sau khi tham khảo kỹ, 2 vợ chồng Sơn quyết định đồng ý cho con tiêm vắc xin. Lúc này, cô vợ mới biết, có tới 80% phụ huynh trong lớp đã đồng ý, dù có người vẫn băn khoăn. “Con trẻ sẽ an toàn hơn khi tiêm vắc xin”, hầu hết đều nghĩ vậy.
Trước đây không lâu, vào cuối tháng 11/2021, tôi cũng từng trở thành “nhà tư vấn bất đắc dĩ” cho một số phụ huynh, khi tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi. Chúng tôi đã thảo luận khá nhiều về việc có nên cho con em trong độ tuổi đi chích vắc xin không.
Không ít người tỏ ra lo lắng, còn tôi thì nghĩ, trẻ em cũng có nhiều hoạt động, tiếp xúc với nhiều người nên cần thiết được vắc xin bảo vệ.
Điều đáng mừng là sau đó, vì lo lắng cho con có thể bị nhiễm Covid-19, cũng như hiệu quả bảo vệ từ chính bản thân mình khi được tiêm 3 mũi vắc xin, hầu hết cha mẹ đã đăng ký cho con mình.
Đến ngày 13/4, có 99,64% trẻ từ 12 tuổi - 17 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó 95,91% tiêm đủ liều cơ bản.
|
Và thực tế đã xua tan đi những lo lắng, bất an!
Tỷ lệ trẻ em đã tiêm vắc xin nhiễm bệnh trở nặng rất thấp, không có ca tử vong, hầu hết các em đi học trở lại sau 1 tuần cách ly, điều trị. Điều đó cho thấy vắc xin đã phát huy hiệu quả bảo vệ.
Sau Quảng Ninh, theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ tuần sau, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ được thực hiện đồng loạt ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, với 2 loại vắc xin là Pfizer và Moderna (2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần và không tiêm trộn).
Việc những bậc phụ huynh- như vợ chồng Sơn- lo lắng và phải chịu nhiều áp lực khi lựa chọn tiêm hay không tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho con cũng là điều tự nhiên và dễ hiểu.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để các bậc phục huynh yên tâm cho con mình tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước hết, lợi ích của tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với không tiêm.
Mặt khác, các chuyên gia nhận định, sự an toàn của 2 loại vắc xin này đã được nghiên cứu của nhà sản xuất. Về phản ứng sau tiêm của trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, được đánh giá tương tự như nhóm từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, nghĩa là, có thể buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm...
Đặc biệt, hệ thống y tế luôn sẵn sàng và đã dày dạn kinh nghiệm “trận mạc”, đủ sức ứng phó với các sự cố, và luôn trong tinh thần trực cấp cứu sau khi tiêm 24/24h.
Theo Sở Y tế, điều quan trọng nhất là sàng lọc kỹ và theo dõi chặt sau tiêm. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh mãn tính, tiền sử dị ứng…, cha mẹ cần thông tin trung thực với cán bộ y tế để được hướng dẫn tiêm chủng ở các điểm tiêm an toàn.
Sau khi tiêm, trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút, sau đó về nhà theo dõi. Trong 3 ngày đầu sau khi tiêm chủng, cha mẹ và thầy cô giáo cần quan sát, theo dõi trẻ thường xuyên.
Và cuối cùng, nếu toàn bộ trẻ em ở lứa tuổi này được tiêm vắc xin, thì “mảnh ghép” còn lại trong việc bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cũng hoàn thành, không chỉ để các cháu yên tâm học hành, mà còn góp phần chung vào việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bình thường mới.
Hồng Lam