Ứng xử với tiền lẻ
Có nhiều cách ứng xử thỏa đáng để những tờ tiền mệnh giá nhỏ trở nên có ý nghĩa, thay vì vứt bỏ. Tiếc thay, trong thực tế, không ít người có thái độ không đúng mực với tiền lẻ.
Mấy ngày vừa qua, mạng xã hội xôn xao về chuyện một người có hành vi “xấu xí” là ném tung tóe xấp tiền lẻ ở quán ăn.
Trước đó, ngày 2/10, tài khoản Facebook H. Tr. đăng tải đoạn video về một người đàn ông tức tối ném xấp tiền lẻ bay tung tóe tại quán ăn và gọi đó là “rác”. Sau đó ông này còn tát một nhân viên phục vụ quán ăn.
Tất nhiên, như bất cứ sự việc ồn ào nào khác trên mạng xã hội, người cảm thông thì hiếm, người lên án thì nhiều.
Trong “làn sóng” lên án hành vi này, tôi thấy nhiều người đồng tình với 2 ý kiến khá xác đáng, tất nhiên trong đó có tôi.
Thứ nhất, đây là một hành vi cần bị lên án, dù người đàn ông này có cố bao biện bao nhiêu chăng nữa. Không chỉ vì còn rất nhiều người sống khó khăn, thiếu thốn, mà còn vì trên những đồng tiền lẻ ấy đều mang hình Quốc huy, cần phải được tôn trọng.
Tuy tiền là một tài sản và chủ sở hữu hoàn toàn có quyền định đoạt, nhưng quyền này bị hạn chế bởi tiền là một tài sản đặc biêt, là công cụ trung gian thanh toán do chính Nhà nước phát hành.
Việc ông ta từ chối nhận, rồi ném trả lại tiền lẻ cho một quán ăn, rất có thể, vi phạm điều khoản “từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành” trong Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
Thứ hai, dù là “thiếu văn hóa”, “hống hách” hay “lộng quyền”, như cách nói của dân mạng, thì đây cũng chỉ là hành vi mang tính ứng xử cá nhân, không thể đại diện cho tầng lớp cán bộ hay công chức nhà nước.
Chuyện ở “xứ người” là vậy, còn ở “xứ mình” có hay không? Xin thưa rằng không hiếm, chỉ là chưa xảy ra sự việc ồn ào như thế mà thôi.
|
Một sáng cuối tuần, khi đi uống cà phê, tôi và mấy anh em đã rất bất bình khi thấy một bạn trẻ- trong một nhóm cùng ngồi ở bàn bên- thờ ơ vò mấy tờ tiền lẻ rồi thờ ơ ném xuống bàn, miệng còn lầm bầm: Mang làm gì cho… rác túi.
Đó là số tiền thừa mà chủ quán cà phê trả lại. Gồm mấy tờ có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng đã cũ.
Nhìn những tờ liền lẻ ném trên bàn, tôi nhớ lại bàn tay gầy guộc của mẹ cẩn thận vuốt những tờ tiền 200 đồng, 500 đồng nhàu nhĩ cho thật phẳng, cẩn thận đếm rồi cho vào túi vải, cài kim băng chắc chắn. Đó là số tiền mẹ bán cả gánh rau lang, rau bí hái trong vườn nhà.
Bốn chị em chúng tôi lớn lên, học hành nên người nhờ mồ hôi, công sức, nước mắt của bố mẹ, và nhờ từng đồng tiền lẻ mà bố mẹ chắt chiu như thế. Với chúng tôi, chúng có giá trị vô cùng.
Sau này lớn lên, những bữa cơm sinh viên 2.000 đồng, những gói xôi có giá 1.000 đồng, ổ bánh mì “chay” có giá 200 đồng- cách gọi ổ bánh mì không nhân của sinh viên thời ấy- theo tôi suốt 4 năm đại học.
Chính những năm tháng khó khăn ấy đã hình thành thói quen trân trọng từng tờ tiền lẻ trong tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn có thói quen giữ gìn khá cẩn thận những tờ tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng vào một ngăn ví riêng.
Ở nhà, tôi cũng có một hộp giấy đựng tiền lẻ. Trong đó không chỉ có tiền giấy, mà còn có những đồng tiền xu, từ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng được làm bằng thép mạ niken; mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng làm bằng thép mạ đồng, đến mệnh giá 5.000 đồng làm bằng hợp kim đồng-nhôm-niken, mặt bên được khía vỏ sò.
Khi hộp đầy, tôi thường đem tiền giấy tặng người già, trẻ em, người khuyết tật bán vé số, hoặc bán hàng rong. Chỉ tiếc là từ năm 2011, Chính phủ đã ngừng lưu thông tiền kim loại, nên khá nhiều tiền xu vẫn để đấy.
Trở lại câu chuyện ở quán cà phê. Một anh bạn thấy vậy tỏ ra bức xúc: Những cô cậu này đang ở tuổi học trò cả. Tôi biết một cậu trong đó, vì ở gần nhà. Tôi dám chắc là những tờ tiền lẻ bị ném xuống nền nhà kia đều được làm ra từ mồ hôi, công sức của các bậc cha mẹ. Kiếm tiền vất vả, nhưng con cái lại đem tiền vứt đi như thế này đây.
Chị chủ quán đang lúi húi dọn bàn góp chuyện: Chuyện bình thường thôi mấy chú ơi. Ngày nào mà chẳng có vài trường hợp như thế. Tuổi trẻ bây giờ là vậy mà.
Rồi chị nhặt mấy tờ tiền lẻ, vuốt vuốt cho phẳng, đưa cho cô phụ việc: Giữ lấy, chút nữa biếu bà Năm bán vé số.
Có phải đó là chuyện bình thường không? Có thật là chỉ tuổi trẻ mới có thái độ như vậy với tiền lẻ? Chẳng lẽ người lớn luôn có sự ứng xử đúng mực với tiền lẻ?
Tôi nghĩ là không hẳn. Dù không dám chụp mũ rằng đây là hành vi thiếu tôn trọng sức lao động, nhưng rõ ràng là thái độ coi thường tiền lẻ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, với cứ ai.
Nhiều người trong chúng ta đã từng không ít hơn một lần coi thường, hay đúng hơn là ngược đãi những tờ tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng cũ kỹ.
Đi ăn sáng, uống cà phê ư, được chủ quán trả lại mấy ngàn tiền thừa, phẩy phẩy tay: thôi khỏi. Đi chợ, thấy chị bán rau, bán cá loay hoay mãi không tìm được tiền chẵn để trả lại tiền thừa, đành lôi ra xấp tiền lẻ, ngồi đếm ư, sẽ càu nhàu: Gì mà toàn tiền lẻ thế này, tiêu sao được?
Có không ít người bán hàng “lờ” chuyện phải trả lại một vài ngàn tiền lẻ của khách, và tỏ thái độ, liếc mắt coi thường khi có khách hàng đứng chờ lấy lại số tiền nhỏ này.
Vào ngày rằm, mùng một, những tờ tiền có mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng được rải đầy ở các đình chùa, miếu mạo. Thậm chí, khi có đám tang, người ta rải tiền thật ra đường chứ không phải tiền âm phủ.
Tiền rất quan trọng, nhưng cách ứng xử với đồng tiền còn quan trọng hơn. Dù là những đồng tiền lẻ, nhưng cũng chỉ có được khi chúng ta đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ. Dù là tiền lẻ, nhưng đều mang trên mình hình Quốc huy. Vì vậy rất đáng và rất cần được trân trọng.
Có nhiều cách ứng xử thỏa đáng với những đồng tiền lẻ. Thay vì vứt những tờ tiền lẻ, có thể gom lại sử dụng vào nhiều việc, như giúp đỡ người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em nghèo; mua sách vở, bút mực tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hay đơn giản hơn, như cách làm của chị chủ quán: Gom lại để biếu cụ bà bán vé số sắp đi qua!
Hồng Lam