Ứng xử với người khuyết tật
Để xóa bỏ kỳ thị, giúp người khuyết tật tự tin vươn lên, trước hết phải đối xử với họ như người bình thường, tiếp đó là tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tự sinh hoạt, phát triển. Đừng nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại hay thấy họ yếu thế, cần ưu tiên.
|
Cần phải khẳng định rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật.
Để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người khuyết tật, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong đó, từ tháng 7/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại Điều 31 của Pháp lệnh lấy ngày 18/4 là “Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật”.
Tháng 6/2010, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Người khuyết tật. Tại Điều 11 chính thức công nhận ngày 18/4 hàng năm là “Ngày người Khuyết tật Việt Nam”. Một hệ thống văn bản dưới luật được ban hành để bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách, chương trình giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật với các can thiệp khác nhau.
Đáng chú ý là thực hiện chính sách và chương trình hỗ trợ việc làm và các vấn đề liên quan đến việc làm cho người khuyết tật; cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc trợ cấp, lợi ích an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng trong làm việc và tiếp cận dịch vụ cho người khuyết tật.
Việc tăng nguồn chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật để công việc hỗ trợ được thực hiện một cách thường xuyên, nhất là ở cấp cơ sở, là rất quan trọng, tạo nền tảng và động lực để người khuyết tật vươn lên.
Ở tỉnh ta, hỗ trợ người khuyết tật vượt qua khó khăn, hòa nhập xã hội luôn được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo số liệu từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 7.600 người khuyết tật, trong đó đa số được cấp giấy xác nhận khuyết tật; hơn 5.750 người khuyết tật được trợ cấp xã hội. 100% người khuyết tật hưởng trợ cấp hằng tháng đều được cấp thẻ BHYT.
Đáng ghi nhận là 100% bệnh viện tuyến tỉnh đã có khoa phục hồi chức năng để phát triển kỹ thuật trị liệu, chữa bệnh cho người khuyết tật.
Tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật cũng được đặc biệt quan tâm, từ đó giúp họ tạo dựng cuộc sống độc lập, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội, mở ra cơ hội mới để hòa nhập đầy đủ và bình đẳng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Dù vậy, kỳ thị người khuyết tật, hay các phân biệt đối xử gắn với khuyết tật, vẫn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, và đang là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo, thiếu cơ hội việc làm và ít được tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục của người khuyết tật.
Trên thực tế, có ba hình thức kỳ thị đối với người khuyết tật, đó là kỳ thị mà người khuyết tật cảm nhận được (từ xung quanh), tự kỳ thị và kỳ thị của người xung quanh đối với người khuyết tật.
Kỳ thị mà người khuyết tật cảm nhận được (từ xung quanh) thường xuất hiện khi họ tham gia, giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Đó có thể là cảm giác xấu hổ khi trở thành đối tượng của sự hiếu kỳ, tò mò; hoặc cảm nhận về phân biệt đối xử từ các hành vi hay thái độ vô tình của những người xung quanh gây ra.
Cảm giác xấu hổ cũng xuất hiện vì bị người nhà “che giấu”. Một người khiếm thị từng tâm sự rằng tổn thương và cảm thấy bị kỳ thị vì “khi không có khách đến nhà thì tôi được ngồi chơi thoải mái, nhưng có khách là phải tránh mặt”.
Đó cũng có thể là sự trêu đùa, dù không ác ý, từ những người xung quanh, cũng dễ khiến người khuyết tật cảm nhận có sự kỳ thị, dẫn đến cảm giác buồn, tủi thân, khó chịu.
Tự kỳ thị, một hình thức của kỳ thị, nhưng từ chính người khuyết tật. Tự kỳ thị xuất hiện khi người khuyết tật cảm thấy xấu hổ vì khuyết tật của mình, tự cho rằng mình thành người vô dụng.
Người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn, từ sinh hoạt hằng ngày, học tập, việc làm đến tiếp cận các dịch vụ y tế, tham gia hoạt động xã hội.
Chính vì vậy, bản thân họ rất dễ bi quan, chán nản, tự xem mình là người sống phụ thuộc và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là rào cản đối với việc vươn lên từ chính bản thân người khuyết tật.
Hình thức thứ ba là kỳ thị của những người xung quanh. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với hành trình hòa nhập của người khuyết tật, và cũng là một hành vi đáng lên án nhất.
Đó là thái độ có thành kiến, khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật, thậm chí là xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật.
Đôi khi, người khuyết tật trở thành nạn nhân của kỳ thị ngay trong ngôi nhà của mình, khi không nhận được sự quan tâm và chăm sóc nên có.
Vấn nạn này khiến người khuyết tật trở nên tự ti và không dám đối mặt với xã hội. Nó cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Kỳ thị khá phổ biến trong giáo dục và việc làm. Trong giáo dục, phần lớn người khuyết tật đi học muộn, hoặc không được đi học; không có đủ sự trợ giúp cần thiết như dụng cụ, phương pháp dạy phù hợp với khuyết tật của họ; cơ sở giáo dục không xử lý nghiêm các hành vi kỳ thị.
Khâu đào tạo nghề cho người khuyết tật được triển khai, nhưng lựa chọn nghề học khá hạn chế, trong khi hướng nghiệp nghề hầu như không có.
Kỳ thị dành cho người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm cũng ở mức cao. Thể hiện qua việc họ thường bị từ chối nhận vì khuyết tật của họ; trong công việc, nhiều người được trả lương thấp hơn hoặc không được ký hợp đồng lao động như các đồng nghiệp “bình thương”.
|
Từ những phân tích trên cho thấy, để người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự tin sống, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, cần quyết liệt hơn trong đấu tranh xóa bỏ các hình thức kỳ thị.
Muốn như vậy, trước hết cần có cái nhìn đẹp về cuộc sống của người khuyết tật, nghĩa là dù họ có khuyết tật về cơ thể, nhưng vẫn cần được đối xử như người bình thường.
Như một bạn trẻ khuyết tật mà tôi quen biết đã nói: Chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, chứ không phải thương hại. Càng muốn hơn là được tạo điều kiện để cảm thấy bình thường, có khát vọng, có hoài bão và ý chí vươn lên.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với người khuyết tật. Thay vì luôn gán cho họ cái vỏ bọc yếu đuối, đáng thương, hãy hỗ trợ, tạo cơ hội để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, để xóa bỏ kỳ thị, cần tăng cường năng lực cho các hội, nhóm, câu lạc bộ của người khuyết tật để các tổ chức này giúp người khuyết tật có cơ hội giao tiếp xã hội, giao lưu với những người có cùng cảnh ngộ.
Từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết về quyền của mình; nâng cao khả năng nhận diện kỳ thị và xử lý kỳ thị; hình thành tính tự tin, luyện tập tính tổ chức, nâng cao khả năng tự chủ và vươn lên trong cuộc sống.
Xây dựng hệ thống chính sách tập trung vào quyền được tham gia bình đẳng và đầy đủ vào xã hội của người khuyết tật. Đầu tư thỏa đáng dụng cụ, phương pháp dạy phù hợp với khuyết tật, như ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi ở các trường hòa nhập hay đào tạo nghề, nhất là tại vùng sâu vùng xa.
Thiết lập một cơ chế giám sát đảm bảo công bằng cho người khuyết tật trong quá trình tuyển dụng và thực hiện các chế độ và điều kiện lao động mà họ được hưởng theo luật.
Tăng cơ hội hướng nghiệp và đa dạng đào tạo nghề cho người khuyết tật tại các trung tâm dạy nghề và các trung tâm dạy hòa nhập có chất lượng và cơ sở vật chất phù hợp với các khuyết tật khác nhau để giúp người khuyết tật có thể học bình đẳng như những người không khuyết tật.
Củng cố môi trường giáo dục văn hóa và học nghề thân thiện hơn với người khuyết tật; nâng cao năng lực nhận diện và xử lý các kỳ thị cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cung cấp các cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng; tạo điều kiện cho người khuyết tật sử dụng dịch vụ y tế và giảm chi phí y tế.
Hồng Lam