Ứng phó linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19 trong tình hình mới
Với mục tiêu không để F0 tăng nhiều, hạn chế đến mức thấp nhất F0 chuyển nặng và ca bệnh tử vong, tỉnh ta đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh. Tất cả các giải pháp triển khai trong tình hình mới nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, đảm bảo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân ngay từ những ngày đầu Xuân 2022.
Tính đến 7 giờ ngày 9/2/2022, tỉnh Kon Tum ghi nhận 3.485 trường hợp mắc Covid-19. Ngành Y tế và các địa phương của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đáp ứng kịp thời với diễn biến dịch, tích cực kiểm soát tình hình, tổ chức cách ly điều trị hiệu quả.
Theo đó, để cải thiện, kiểm soát tình hình, giải pháp ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh bao phủ vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, ngành Y tế và chính quyền các địa phương đang triển khai song hành việc tiêm mũi 2 và tiêm mũi bổ sung cho người dân. Hiện tại, trên toàn tỉnh, tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin là 321.456 người, đạt tỷ lệ 96,27%; tổng số người từ 12- 17 tuổi tiêm đủ liều vắc xin là 56.039 người, đạt tỷ lệ 94,57%. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn.
Các lực lượng tuyến đầu tích cực kiểm soát các ca bệnh, chùm ca bệnh, tổ chức cách ly F1, điều trị F0 tại nhà và tại cơ sở y tế, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
|
Giám đốc Sở Y tế Võ Văn Thanh cho biết: Tại tỉnh ta, dịch bệnh bùng phát sau nên chúng ta học hỏi được kinh nghiệm của nhiều địa phương và có phương án tổ chức thực hiện phù hợp, không bị động, lúng túng và không gây xáo trộn trong nhân dân. Để đảm bảo công tác điều trị F0 tại nhà, các địa phương đã có quyết định và xây dựng kế hoạch thành lập 130 trạm y tế lưu động, trong đó, có 6 trạm đã kích hoạt gồm thành phố Kon Tum 2 trạm, huyện Ngọc Hồi 1 trạm và huyện Đăk Glei có 3 trạm; đồng thời, thành lập 937 tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Hiện tại, đa số các trường hợp mắc Covid-19 được cách ly điều trị tại nhà là thể nhẹ, không cần dùng thuốc, số ít trường hợp có triệu chứng được sử dụng thuốc cung ứng từ các trạm y tế trên địa bàn. Một số địa phương đã huy động các nguồn và thực hiện cung cấp gói thuốc A (là những thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng dùng trong 7 ngày) như các huyện Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế chưa đến 200 ca và không có ca bệnh nặng.
Một trong những điểm mới trong công tác phòng, chống dịch là hiện nay tỉnh ta không áp dụng cách ly tập trung đối với trường hợp F1 mà tất cả đều được cách ly tại nhà. Điều này góp phần giảm chi phí cho công tác tổ chức cách ly và tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân.
Theo Giám đốc Sở Y tế Võ Văn Thanh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều ổ dịch và lây lan trên diện rộng vẫn hiện hữu do dịch bệnh đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng, người dân di chuyển nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân đã có hiểu biết cơ bản về cách phòng chống dịch Covid-19; đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. 80% trường hợp mắc bệnh đều ở thể nhẹ, không triệu chứng, hầu hết được cách ly điều trị tại nhà; hơn nữa, cũng đã có thuốc điều trị Covid -19 nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần được kiểm soát phù hợp theo hướng linh hoạt, hiệu quả tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân.
Trong giai đoạn hiện nay, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là luôn thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và ở nơi công cộng; đảm bảo tuân thủ các quy định về cách ly F1, F0 tại nhà. Người dân cần biết rõ đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Đối với các ổ dịch được phát hiện, các địa phương tiến hành khoanh vùng nhanh và sử dụng các biện pháp hành chính theo từng cấp độ dịch để khống chế dập dịch kịp thời. Trong thời điểm này, việc điều tra, truy vết cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và cho những trường hợp thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực vào việc cách ly điều trị, bởi hầu như các ổ dịch đều khó xác định được nguồn lây. Mặt khác, tỉnh ta đã áp dụng cách ly F1, F0 tại nhà cho hầu hết các trường hợp nên biện pháp phong tỏa thật sự không còn cần thiết và không phù hợp.
Trong công tác điều trị, ngành Y tế cùng với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phân loại F0 để tiến hành cách ly, điều trị, đảm bảo hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Do đó, đối với những F0 không triệu chứng/mức độ nhẹ được cách ly điều trị tại nhà, tự theo dõi sức khỏe, có hướng dẫn, tư vấn của Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Các F0 có triệu chứng/nguy cơ trung bình được lấy mã ca bệnh để trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động quản lý cách ly, tư vấn theo dõi sức khỏe tại nhà kết hợp với quản lý, chăm sóc, cấp phát thuốc, theo dõi, điều trị, hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển nặng. Đối với các F0 nguy cơ cao, rất cao sẽ được cách ly điều trị theo tầng tại các cơ sở y tế để điều trị theo đúng phác đồ.
Thực tế qua điều tra, giám sát tại nhiều ổ dịch ở các địa phương cho thấy, những ổ dịch có số ca mắc cao phần đa tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc xin thấp. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tuyên truyền, vận động người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, tránh tình trạng vắc xin thì dư thừa mà người dân không được tiêm. Ngành Y tế sẽ bố trí lực lượng thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Mùa Xuân năm 2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “thần tốc, thần tốc hơn nữa” bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ. Bên cạnh đó, ngành Y tế tích cực nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 để đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh – ông Võ Văn Thanh khẳng định.
Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi; chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” là nhiệm vụ tiếp tục được các ngành, các địa phương của tỉnh ta chú trọng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ không thể đạt được hiệu quả cao nếu như chỉ có nỗ lực của ngành chức năng hay chính quyền địa phương mà điều quan trọng vẫn phải là ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch của mỗi người dân, trước hết là tuân thủ thông điệp “5K”, tự giác tiêm vắc xin phòng Covid-19 và theo dõi sức khỏe bản thân.
Thiên Hương