Tu Mơ Rông: Nỗ lực ổn định cuộc sống người dân sau lũ
Cơn bão số 9, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chịu thiệt hại nặng nề. Trong và ngay sau cơn bão đi qua, huyện đã tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục với mục tiêu sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
|
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Tu Mơ Rông, bão số 9 đã làm hệ thống giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng. Quốc lộ 40B bị sạt lở 12 điểm, đất đá tràn xuống đường. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường ra khu sản xuất của 9 xã Ngọc Lây, Văn Xuôi, Đăk Hà, Ngọc Yêu, Đăk Rơ Ông, Đăk Na, Đăk Sao, Tê Xăng, Măng Ri bị sạt lở đất đá, nhiều tuyến đường không thể lưu thông.
Ở xã Văn Xuôi, đường đi khu tái định cư của 2 thôn Long Tro-Ba Khen bị sạt lở lở ta luy dương, phương tiện không lưu thông được. Đường liên thôn Đăk Văn 2 đi thôn Đăk Văn Linh và Đăk Văn 1 bị sạt lở 2 điểm, trong đó có 1 điểm tại thôn Đăk Văn 1 và Đăk Văn Linh sạt lở ta luy âm vào phần đường bê tông có nguy cơ gãy đường bê tông.
Ở xã Đăk Hà, đường đi lên thao trường bãi bắn của huyện bị sạt lở đất, ước khoảng 180m3 đất (dài khoảng 30 m, rộng 4m, sâu khoảng 1,5m), không thể đi lại được.
Ở xã Đăk Sao, cầu tràn thôn Năng Nhỏ 1, thuộc Tỉnh lộ 678 bị cát và đá vùi lấp, nước cuốn trôi một phần; cầu tràn liên thôn Kạch Nhỏ và Năng Nhỏ 2 bị trôi lệch 1 nhịp cầu, đường qua 2 bên bị sạt lở ăn sâu tạo hàm ếch…
Về nông nghiệp, bị thiệt hại 11 con trâu, bò; nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn huyện bị ngã đỗ, ngập úng chưa thống kê được thiệt hại. Riêng ở xã Đăk Rơ Ông ước thống kê ban đầu có khoảng 3ha lúa mùa đang thu hoạch bị bồi lấp. Xã Tu Mơ Rông sạt lở đất trồng sắn với diện tích 19.000m2, sạt lở 3.00m2 lúa rẫy. Một số công trình thủy lợi bị trôi đập đầu mối, kênh bê tông dẫn nước bị vùi lấp bởi cát và đá; một số trụ điện bị ngã đổ.
3 trạm Y tế xã Đăk Hà, xã Tu Mơ Rông, xã Ngọc Lây bị sạt lở, sụt lún, đã tiến hành di dời các trang thiết bị và cán bộ, nhân viên các trạm vừa đảm bào an toàn cho cán bộ, nhân viên các trạm vừa có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân các xã ngay trong và sau lũ bão.
Huyện cũng tiến hành di dời hàng trăm hộ gia đình có nhà bị sụt lún, tốc mái và có nguy cơ lũ quét, sụt lún cao đến nơi an toàn...
Với mục tiêu giảm thiểu các thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai các kế hoạch, phương án chủ động ứng phó với lũ lụt đã xây dựng từ trước. Đặc biệt, ngay trong mưa bão, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định, hạn chế ra ngoài, phối hợp để di dời đến nơi an toàn càng sớm càng tốt...
Huyện Tu Mơ Rông đã huy động cả hệ thống chính trị chung tay góp sức để khắc phục các thiệt hại; chỉ đạo và phân công lực lượng xung kích chốt gác để cảnh báo không cho người dân qua lại tại các vị trí có nước ngập tràn qua đường, chia cắt các xã. Với các tuyến đường có khối lượng đất đá sạt lở vùi lấp ít, huyện chỉ đạo các lực lượng tiến hành san ủi để thông tuyến. Hiện tại, các xã cơ bản thông tuyến, xe máy đến được tất cả các xã. Riêng 2 xã Đăk Na, Đăk Sao vì ngầm bị nứt, hư hỏng nên xe ô tô chưa đi lại được, các lực lượng và Sở Giao thông Vận tải đang tiến hành khắc phục.
Cùng với đó, cán bộ huyện, xã, bộ đội, công an, dân quân trên địa bàn có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công nhiệm vụ, đến từng hộ gia đình vận động người dân phối hợp di dời đến nơi an toàn. Cũng nhờ vậy mà hơn 40 hộ dân ở xã Đăk Sao với trên 120 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét đã được di dời về địa điểm an toàn kịp thời.
Hiện nay, các xã tăng cường, tập trung lực lượng khắc phục bão lũ, đảm bảo ổn định đời sống người dân, nhất là các nhà bị tốc mái, chủ động khắc phục cầu, ngầm...
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, huyện đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, rà soát các khu vực trọng điểm xung yếu, chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng… Chính sự chủ động đó cộng với sự nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng cứu, khắc phục bão lũ đã phần nào giảm thiểu được các thiệt hại.
Tuy nhiên, cũng theo ông Võ Trung Mạnh, để ổn định được cuộc sống người dân sau lũ bão thì còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trong khi đó lại phải đối mặt với những thiệt hại về nhà cửa, nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng, ngã đổ… sẽ khó vực dậy sau bão lũ. Huyện sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực và cùng với đó rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống…
Một số hình ảnh khắc phục bão số 9 ở một số xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông:
Tại xã Đăk Sao
Tại xã Đăk Na
Tại xã Đăk Tờ Kan
Tại xã Ngọc Yêu
Tại xã Ngọc Lây
Tại xã Văn Xuôi
Văn Phương