Trao gửi yêu thương
Những ngày đầu tháng 10, dòng người từ các tỉnh phía Nam nối tiếp nhau đi xe máy, đi bộ về và qua địa bàn tỉnh ta. Với quan niệm “yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”, tại Chốt kiểm soát dịch số 1- Sao Mai (thành phố Kon Tum) rất nhiều thanh niên, tình nguyện viên tích cực tham gia hỗ trợ, tiếp sức cho người dân trên hành trình trở về quê hương.
Suốt những ngày qua, Chốt kiểm soát dịch số 1- Sao Mai trở thành trạm dừng chân cho những đoàn người trên hành trình hồi hương dài dằng dặc. Tại đây, cùng với các lực lượng chức năng, trên 130 đoàn viên, thanh niên của thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy và tình nguyện viên các nhóm thiện nguyện đã không quản ngày đêm, mưa nắng thay phiên nhau túc trực 24/24h để tham gia hỗ trợ, tiếp tế cho người dân từ nhiên liệu, thực phẩm, nước uống đến quần áo, thuốc men…
Chi Nguyễn Thị Thảo Nguyên- Chủ nhiệm Câu lạc bộ máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, chúng tôi đã huy động được hơn 300 lít xăng, 500 thùng nước suối, 4.000 suất ăn, 200 thùng sữa cùng rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác... Mỗi khi nhận được tin báo chuẩn bị đón đoàn từ lực lượng Cảnh sát giao thông, anh em trong Câu lạc bộ lập tức sắp xếp công việc, phân công nhau xuống Chốt, mang theo những phần cơm, bánh, sữa được các nhà hảo tâm ủng hộ để phát cho người dân. Chúng tôi còn tham gia cùng lực lượng chức năng hộ tống đoàn, khóa đuôi nhằm kịp thời giúp đỡ nếu không may gặp sự cố trên đường và ngăn chặn việc bà con rẽ ngang dọc đường, góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương diễn ra hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
|
Gần nửa tháng qua, nhiều đoàn viên, thanh niên của Thành đoàn Kon Tum khá bận rộn với hoạt động tình nguyện. Công việc nhiều vô kể, từ việc kêu gọi, kết nối các hoạt động quyên góp hỗ trợ, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, thực phẩm, thuốc men đến việc tham gia hỗ trợ trực tiếp tại Chốt kiểm soát dịch số 1 - Sao Mai. Những chai xăng, chiếc áo mưa, hộp khẩu trang được xếp gọn gàng, ngăn nắp; những hộp cơm, chiếc bánh, chai nước, túi trái cây…cũng luôn được chuẩn bị sẵn sàng để phát miễn phí cho người dân khi đến đây.
Tôi đùa bảo “Cứ như siêu thị ấy nhỉ, chưa bao giờ vơi hàng hóa”. Vừa tất bật phát đồ ăn, thức uống cho người dân đến Chốt, Đỗ Thị Hồng Hạnh- Bí thư Thành đoàn Kon Tum vừa tiếp lời: “Siêu thị 0 đồng” và còn có thêm khuyến mãi là tình cảm và cả những lời chúc bình an nữa chị!
Cứ thế, những yêu thương được các bạn trẻ trao đi trong sự cảm thông, chia sẻ và mong muốn mọi người bình an trong hành trình trở về với quê hương. Có lẽ vì thế mà nhiều người dân khi đến Chốt kiểm soát dịch số1 - Sao Mai gọi đây là “trạm dừng chân” yêu thương.
|
Nhận được hộp cơm nóng hổi từ tay các tình nguyện viên, chị Nguyễn Thị Ánh Luyến (ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) không giấu nổi niềm hạnh phúc, chia sẻ: Vợ chồng tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, nhưng gần 4 tháng nay không có việc, đời sống rất khó khăn nên ngay khi địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, chúng tôi quyết định đưa con về quê. Trên hành trình trở về quê, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, các lực lượng chức năng và những tình nguyện viên. Điều này làm chúng tôi thấy ấm lòng trước nghĩa tình sẻ chia của đồng bào, vì thế hành trình về quê cũng vơi đi nỗi nhọc nhằn cơ cực.
Không có tiền, không có phương tiện, gói ghém vài bộ quần áo và ít vật dụng cá nhân, chị Thờ Thị Khoa - dân tộc Mông (ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đành phải cuốc bộ từ Bình Dương về quê. May mắn trên hành trình ấy, chị nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương hỗ trợ đồ ăn, thức uống, áo mưa để không bị đói, bị rét. Nhưng khi đến Chốt kiểm soát dịch 1- Sao Mai, chị Khoa còn cảm động hơn, vì ngoài những phần quà được gửi tặng, chi được các lực lượng chức năng đưa lên xe khách chở qua địa bàn tỉnh. Chị Khoa xúc động bày tỏ lòng biết ơn: “Tôi thật sự cảm ơn chính quyền và người dân Kon Tum nhiều lắm. Vậy là chặng đường về nhà của tôi lại được rút ngắn thêm một ít”.
|
Không thể ngồi yên khi thấy đồng bào gặp khó khăn, đó là lý do mà các đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên luôn có mặt ở nơi “nguy hiểm nhất” để giúp đỡ cho người dân trở về quê đi ngang qua địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong những bộ đồ bảo hộ, khẩu trang nên cả người phát đồ hỗ trợ, người nhận đều không biết mặt nhau, tình cảm chỉ được gửi gắm bằng ánh mắt. Vốn là những người xa lạ, nhưng “nghĩa đồng bào” trong hoạn nạn đã kéo họ lại gần nhau hơn. Và như thế, chặng đường dài trở về quê nhà của những người ly hương tìm kế mưu sinh thêm ấm áp tình người và vơi bớt khó khăn.
Khó khăn nào rồi cũng qua, nhưng những tình cảm yêu thương này hẳn sẽ còn đọng mãi trong lòng mỗi người về quê.
Thùy Hương