Trăn trở mùa tựu trường
Năm học mới đã bắt đầu, nhưng hiện tại còn rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số “tay không đến lớp”. Đây là một thách thức với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Mới đây, trong chuyến đi trao học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học, chia sẻ với chúng tôi, các thầy cô giáo đều có chung một niềm trăn trở: Năm học mới đã bắt đầu, nhưng hiện tại còn rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số “tay không đến lớp”. Đây là một thách thức với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
|
Năm học này, Trường Trung học cơ sở Đăk Tờ Re, Trường Tiểu học Kapakơlơng và Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) được chúng tôi hỗ trợ 100 bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập và 20 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học.
Phấn khởi đón chúng tôi, cô Đậu Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, hiện tại trường có 414 học sinh, với sự vào cuộc của nhà trường và chính quyền địa phương, cùng sự quan tâm của các nhà tài trợ, đến nay đã có 106 em có đầy đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập; 270 em được hưởng hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặc dù chưa biết lúc nào mới nhận được tiền hỗ trợ, tuy nhiên để đảm bảo cho việc học tập của các em, đầu tháng 8, nhà trường đã mời phụ huynh thuộc đối tượng được hỗ trợ đến họp, xin ý kiến và được phụ huynh thống nhất, nhờ nhà trường đặt mua 270 bộ sách giáo giáo khoa, khi nhận được tiền, gia đình sẽ trả sau. Như vậy, hiện còn khoảng 40 em chưa có sách giáo khoa, các thầy cô giáo đang nỗ lực đi vận động, xin sách cũ cho các em…
Không được “may mắn” như Trường Tiểu học Kim Đồng, tại Trường Trung học cơ sở Đăk Tờ Re và Trường Tiểu học Kapakơlơng, đến thời điểm này vẫn còn khá nhiều học sinh “tay không đến lớp”.
Bà Y Pẻh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re chia sẻ: Trên địa bàn xã, tình trạng sinh nhiều con khá phổ biến, nhiều gia đình có từ 7-12 con, trong đó cùng lúc có 5-6 con trong độ tuổi đi học. Đông con, lo ăn không đủ, lấy đâu ra tiền để mua sách vở cho con, vì thế, cứ vào đầu năm học, các thầy cô giáo lại ngược xuôi đi xin sách vở, quần áo cho học sinh; chính quyền địa phương cũng ráo riết vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tuy nhiên do số lượng học sinh trên địa bàn đông nên không thể đáp ứng đủ.
Không riêng Đăk Tờ Re, ngay ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, cũng còn rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số đang thiếu hoặc chưa có sách giáo khoa, dụng cụ học tập.
Hôm chúng tôi đến trao học bổng cho học sinh trường này, gặp đúng lúc các thầy cô giáo đang nhễ nhại mồ hôi phân loại quần áo, sách giáo khoa cũ, do các thầy cô xin được để trao cho học sinh.
Cô Mai Thị Bích Sen- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có hơn 400 học sinh, trong đó gần 55% học sinh dân tộc thiểu số. Vì ở thành phố nên hầu như trường không nhận được sự hỗ trợ nào của các nhà tài trợ.
Năm học này, được chúng tôi trao 20 suất học bổng (trị giá 500.000đ/suất) là sự động viên rất lớn đối với nhà trường.
Cô cho chúng tôi biết thêm, mặc dù ở thành phố, nhưng với các hộ đồng bào DTTS, đa phần đông con, kinh tế gia đình khó khăn, bên cạnh đó nhiều phụ huynh có tâm lý phó mặc cho nhà trường nên không trang bị sách vở, dụng cụ học tập cho con em, vì thế, trong dịp hè, các thầy cô giáo luôn “vắt chân lên cổ”, tận dụng mọi mối quan hệ để xin sách giáo khoa cũ cho học sinh của mình...
Chia tay các thầy cô, tôi cứ trăn trở: Còn bao nhiêu học sinh ở vùng sâu, vùng xa chưa có sách vở, dụng cụ học tập?
Chất lượng học tập sẽ ra sao khi học trò không có sách? Đến bao giờ các thầy cô mới hết vất vả, xoay sở để đảm bảo điều kiện cần thiết cho việc học tập của các em?
Không thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và các nhà tài trợ, sự tận tâm của các thầy cô.
Thiết nghĩ, điều quan trọng là mỗi gia đình, dù khó khăn cũng cần phải có trách nhiệm hơn với việc học tập của con em mình, trong đó thực hiện sinh ít con chính là cam kết tốt nhất đối với tương lai của các em.
Hoàng Thúy