Tôi vẫn đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang còn cần thiết không, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ người dân tiêm vắc xin cao, các hoạt động trở lại bình thường đang là chủ đề được tranh luận gần đây. Tuy nhiên, trong đề xuất chuyển đổi nguyên tắc 5K thành V2K, khẩu trang vẫn đứng thứ 2, sau vắc xin.
Chúng ta đã đi qua những ngày tháng căng thẳng vì đại dịch, cuộc sống đã và đang dần trở lại bình thường. Thật vui khi được đi làm, đi học, đi chơi, đi mua sắm với tâm thái nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã không còn nỗi lo dịch bệnh.
Thời điểm này, trên mạng xã hội lại dấy lên tranh luận quanh việc đeo hay không đeo khẩu trang nơi công cộng. Dư luận phân thành hai luồng với những ý kiến trái chiều.
Luồng ý kiến ủng hộ tiếp tục đeo khẩu trang cho rằng, dù dịch bệnh được kiểm soát, song cần tiếp tục cảnh giác, các biện pháp phòng dịch vẫn phải được chú trọng, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh và đeo khẩu trang.
Lý do là đến nay, nước ta vẫn chưa công bố hết dịch Covid-19; vi rút liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đặc biệt là nước ta đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới BA.5. Theo các nhà khoa học, biến chủng BA.5 lây lan nhanh, có thể trốn tránh miễn dịch từ vắc xin và nhiễm bệnh tự nhiên.
Trong khi đó, tâm lý “xả hơi”, chủ quan sau thời gian dài chống dịch căng thẳng đang dần trở nên phổ biến. Có thể thấy rõ điều đó qua việc tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 chững lại; các khu, điểm du lịch đông đúc ngày hè; nhiều người bỏ hẳn khẩu trang.
Với nguy cơ dịch bệnh có thể trở lại bất cứ khi nào, sự chủ quan luôn là “cánh cửa” dẫn đến những hậu quả khó lường.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến ủng hộ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Họ đưa ra dẫn chứng nhiều nước đã chấm dứt yêu cầu đeo khẩu trang tại các nhà ga, sân bay, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều cơ bản đạt cao; dịch bệnh đã được kiểm soát, với số ca mắc ghi nhận mỗi ngày ít, việc bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, như trường học, cơ quan công sở, đã trở nên không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc dừng bắt buộc đeo khẩu trang sẽ giảm những tác động tiêu cực đến môi trường từ rác thải là khẩu trang y tế. Việc khẩu trang y tế (chủ yếu từ các sợi vi nhựa khó tiêu hủy) thải trực tiếp ra môi trường sẽ đem lại nhiều hệ lụy về môi trường không chỉ dùng tiền bạc để xử lý.
Tôi đã phải làm “trọng tài bất đắc dĩ” cho một cuộc tranh luận khá căng giữa 2 người bạn về chủ đề trên. Ai cũng có lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình. Và tất nhiên, cả hai đều cố gắng thuyết phục nhau, và thuyết phục “trọng tài”, thay đổi quan điểm.
Là trọng tài, tôi không được phép “thiên vị” ai. Nhưng nếu được hỏi, tôi cũng sẽ đưa ra quan điểm của mình.
|
Đó là vẫn nên bắt buộc đeo khẩu trang ở khu vực công cộng, nhất là bệnh viện, bến xe, chợ, hay nơi nuôi dưỡng, chăm sóc người già. Tiếp tục khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra đường. Không nhất thiết là khẩu trang y tế, mà chỉ cần khẩu trang vải do khả năng tái sử dụng cao.
Trong suốt thời gian dài chống dịch, chiếc khẩu trang luôn là vật bất ly thân của tôi. Đến bệnh viện, tham gia giao thông công cộng, đi tác nghiệp, hay xuống cơ quan làm việc, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “đeo khẩu trang”.
Vì vậy, tôi đã “thoát” khỏi Covid-19 rất nhiều lần, dù tiếp xúc gần với F0. Cho đến gần đây, vì một phút lơ là, không đeo khẩu trang mới lây bệnh.
Cho đến nay, dù đã đi qua thời kỳ căng thẳng của đại dịch, cuộc sống đang dần trở lại bình thường, nhưng khi làm việc ở cơ quan, hay đi làm ở bất cứ đâu, tôi vẫn đeo khẩu trang.
Không chỉ có tác dụng với phòng Covid-19, việc đeo khẩu trang là có lợi, khi giúp tôi bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm môi trường, khói bụi và các tác nhân gây hại khác.
Kể lại chuyện này để tiếp tục khẳng định rằng, tác dụng bảo vệ của khẩu trang là rất lớn.
Thêm nữa, Covid-19 vẫn nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, và còn diễn biến phức tạp. Dù dịch cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, song nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn lơ lửng đâu đó.
Sáng 30/6, Bộ Y tế thông tin biểu đồ số ca mắc Covid-19 mới trên cả nước có dấu hiệu đi lên; dù không có ca tử vong, nhưng số ca F0 nặng cũng gia tăng. Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng lên kế hoạch kích hoạt trở lại các cơ sở thu dung điều trị nếu chủng BA.5 bùng phát mạnh.
“Không được lơ là, chủ quan; duy trì biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết” là thông điệp được Bộ Y tế phát đi trong những ngày vừa qua.
Theo đó, bên cạnh việc tham gia tiêm vắc xin để nâng kháng thể bảo vệ bản thân, nên đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn ngừa vi rút lây lan ra cộng đồng.
Tất nhiên, bên cạnh việc ủng hộ đeo khẩu trang, tôi cũng cho rằng, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển để xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có khẩu trang y tế, không để lây nhiễm dịch bệnh thông qua chất thải lây nhiễm phát sinh.
|
Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không vứt bừa bãi khẩu trang y tế ra môi trường xung quanh; chuyển sang sử dụng khẩu trang vải.
Một điều mà tôi muốn nói thêm, với nhiều người, đeo khẩu trang đã thành thói quen khi ra đường và giao tiếp. Và tôi cho rằng, đó là một thói quen tốt.
Hồng Lam