Tòa án nhân dân tỉnh: Nâng cao chất lượng giải quyết án
Nhờ chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án nên ngành Tòa án tỉnh đảm bảo các phán quyết đúng pháp luật.
Những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự và dân sự. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngành Tòa án tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp và được Tòa án nhân dân tối cao xác định để nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Với 14 giải pháp được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, trong đó 4 giải pháp được đánh giá là nổi bật nhất, đó là: Công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và công tác đối thoại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án. Bên cạnh đó, việc quản lý tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đăng bản án, quyết định có hiệu lực lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao được chú trọng.
Bà Đỗ Thị Kim Thư - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Nhờ chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ bám sát vào 14 giải pháp về tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân tối cao, nên trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên, thẩm phán của ngành luôn đảm bảo trong sạch, vững mạnh, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ xét xử, có bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
|
Để nâng cao chất lượng công tác giải quyết án, Đảng ủy, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên tập trung quán triệt, chỉ đạo đảng viên, công chức và người lao động tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải thực hiện nghiêm quy định về tinh thần trách nhiệm đối với công việc, phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản luật, nghị quyết, thông tư và các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ để áp dụng vào công tác giải quyết, xét xử án.
Bởi vậy, trong thời gian qua, công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Theo báo cáo của ngành Tòa án, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số các vụ án toàn ngành đã giải quyết là 240/292 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 82,19% . Trong đó, án hình sự xét xử 146/161 vụ, với 280/297 bị cáo, đạt tỷ lệ 90,68%; án dân sự và hôn nhân gia đình 62/79 vụ, đạt tỷ lệ 78,48%; án kinh doanh thương mại 5/14 vụ, đạt tỷ lệ 35,71%; án lao động 2/04, đạt tỷ lệ 50%; án hành chính 7/23 vụ, đạt tỷ lệ 73,91%; án bị hủy, sửa 7 vụ, chiếm tỷ lệ 2,92%. Tỷ lệ hòa giải thành công là 5/24 vụ, đạt tỷ lệ 21%.
Sau mỗi phiên toàn, ngành Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành tổ chức 34 phiên tòa rút kinh nghiệm với bình quân mỗi thẩm phán xét xử gần 3 phiên tòa và đã có 106 bản án quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân Tối cao.
Bên cạnh đó, ngành Tòa án tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác giải quyết, xét xử án, nhất là Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết án, nhất là các vụ án tham nhũng, các bị cáo liên quan đến chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Bà Đỗ Thị Kim Thư chia sẻ: Qua thực tiễn công tác, cán bộ, đảng viên đã có nhiều sáng kiến, tham mưu, đề xuất đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đoàn thể vững mạnh toàn diện; luôn phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên; không ngừng cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, đảng viên.
Nhờ chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án nên tiến độ giải quyết các vụ án được đẩy nhanh và đảm bảo chất lượng; đảm bảo các phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, không để các vụ án quá thời hạn giải quyết, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.
Dương Đức Nhuận