Tiến về phía trước
Tiếp nối những đoàn quân từ khắp nơi chi viện cho miền Nam, sáng 6/9, sau lễ xuất quân ngắn gọn, xúc động nhưng không kém phần trang trọng, 30 “chiến sĩ áo trắng” tỉnh ta cũng lên đường, chi viện Bình Dương chống dịch.
|
Khi chào tạm biệt, không ai nhắc đến cái mốc thời gian dự kiến trở về sau 30 ngày, mà chỉ đồng thanh: Hẹn gặp lại khi nhiệm vụ đã hoàn thành.
Đứng ở góc đường Trần Phú, lặng lẽ nhìn 2 đồng chí cảnh sát giao thông giơ tay chào chiếc xe chở 30 “chiến sĩ áo trắng” đang từ từ lăn bánh khỏi Hội trường Ngọc Linh, mà trong lòng tôi trào dâng niềm tự hào.
Trong thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần được nghe, được đọc và được xem những hình ảnh xúc động về lễ xuất quân từ nhiều tỉnh, thành, nhiều lực lượng trên cả nước để chi viện miền Nam thân yêu.
Và bây giờ tới lượt chúng ta xung trận. Tới lượt chúng ta vì miền Nam ruột thịt, vì quyết tâm chiến thắng dịch bệnh mà tiến về phía trước, đóng góp công sức, trí tuệ, nhiệt huyết.
Trong số những bàn tay đang vẫy chào tạm biệt qua lớp kính xe kia, tôi loáng thoáng nhận ra anh Thảo- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông, với cánh tay giơ lên cao hơn hẳn.
Tôi quen anh thông qua sự giới thiệu của Kiên, công tác tại Văn phòng UBND tỉnh, trong một cuộc gặp ngắn ngủi trước lễ xuất quân. Gọn gàng, khỏe khoắn trong áo thun xanh, mái tóc cắt cao, anh Thảo cười xởi lởi, bắt tay từng người.
Trong suốt cuộc gặp, ánh mắt của anh luôn trong trẻo và ấm áp, tôi không thấy gợn lên một chút nào suy tư hay lo lắng về hành trình cam go sắp tới. Dù nhiệm vụ của Trưởng đoàn công tác như anh đã được dự báo trước là rất nặng nề.
Phần lớn thời gian gặp gỡ là những câu chuyện tếu táo về khâu chuẩn bị lên đường. Một số thành viên nam thì “thử cảm giác cạo trọc đầu xem thế nào”; một số bạn nữ cũng cắt gon mái tóc dài. Anh Thảo thì kiểm tra cân nặng để mai mốt về còn… báo cáo vợ; sau đó đi mua cả ba lô loại thuốc, thảo dược, dầu nóng… để trị các loại bệnh thông thường.
Mãi rồi mới nghe anh nói về công việc: Bọn tớ đã sẵn sàng rồi. Mục tiêu hàng đầu của Đoàn là đảm bảo an toàn cho các thành viên; thực hiện nghiêm kỷ cương, quy định về phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp thật tốt với địa phương với các đơn vị bạn; luôn nỗ lực hết mình.
Trước khi lên đường, các thành viên trong đoàn đã đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, được tập huấn chuyên môn về công tác chẩn đoán, phác đồ điều trị, chăm sóc bệnh nhân; quy trình phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm Covid-19; quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm…
Ngành Y tế tỉnh cũng đã chuẩn bị rất chu đáo cho Đoàn công tác, từ nước rửa tay sát khuẩn, nước súc họng, khẩu trang chuyên dụng dành cho nhân viên y tế khám, điều trị bệnh nhân, găng tay y tế, quần áo bảo hộ, quần áo chống nóng… Tất cả đúng theo quy chuẩn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng quyết tâm dấn thân vào tâm dịch, không ngại nguy hiểm, khó khăn, các thành viên trong Đoàn công tác còn mang theo tình cảm của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế tỉnh, tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vào Bình Dương. “Bằng việc làm cụ thể, chúng ta sẽ góp phần thắt chặt thêm sự đoàn kết giữa 2 tỉnh”- mọi người nói với nhau như vậy.
Cho đến khi tạm biệt để anh Thảo đi dự lễ xuất quân, tôi không hề nghe anh đề cập đến thời gian của chuyến công tác. Nhưng tôi tin, các anh đều đã chuẩn bị tâm thế, có thể là 30 ngày (như dự kiến) hoặc lâu hơn nữa. Bởi đây là lúc nhân dân cần, Tổ quốc cần tới họ.
Và họ chỉ trở về khi chiến thắng, hoặc có lệnh.
|
16 giờ chiều 6/9, tôi nhận được được những bức hình đầu tiên về cuộc hành quân của Đoàn công tác. Trong một căn lán lụp xụp bên đường, mọi người đang ăn vội hộp cơm để tiếp tục hành trình.
Tôi hiểu rằng, thời gian và yêu cầu nhiệm vụ không cho phép mọi người nghỉ ngơi lâu. Nhưng sao mắt vẫn rưng rưng.
Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm cả những dòng chia sẻ. “Trong hành trình đến vùng dịch, sự quan tâm sâu sắc, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế và các cấp, các ngành dành cho Đoàn công tác và mỗi cá nhân sẽ là động lực để anh em thêm sức mạnh và lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”- anh Thảo viết ngắn gọn.
Trên đường trở về nhà, tôi dừng lại trước cậu thanh niên bán vé số ngồi bên cột đèn giao thông. Đó là một người khuyết tật. Cậu kẹp tập vé số bằng 2 cổ tay, đôi mắt đục lờ. Tôi mua vài tờ vé số, đặt vào mũ cậu tờ 200.000đ, và tặng thêm tấm chắn giọt bắn. Công việc của cậu rất cần nó.
Tôi làm những điều ấy, với mong muốn rằng, dù chúng ta không thể trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến đầu, nhưng có thể làm những việc cụ thể để giúp cuộc sống đẹp hơn. Để bạn tôi, và các đồng nghiệp của anh đang ngồi trên chuyến xe xuất phát lúc 8 giờ sáng 6/9 ấy, có thể yên tâm rằng, người ở nhà cũng sẽ nỗ lực để xứng đáng với người đang ra trận. Và dù gian khó đến đâu, những vất vả, cố gắng của họ rồi sẽ được đền đáp xứng đáng, bằng cuộc sống sớm bình thường trở lại, và hậu phương luôn an toàn.
Đó chẳng phải cũng là lý do để họ tiến về phía trước hay sao!
Thành Hưng