“Thương cho roi cho vọt”
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “Khi măng không uốn thì tre trổ vồng” đều là cách cha ông ta xưa ví von, nhắc nhở các bậc làm cha, làm mẹ quan tâm, nghiêm khắc dạy dỗ con cái ngay từ khi còn nhỏ. Thương con, muốn con tốt lên thì phải nghiêm khắc, nhắc nhở, uốn nắn. Còn nuông chiều con, không uốn nắn con từ nhỏ, để cho con tùy ý làm những điều mình thích, lâu dần thì như “tre trổ vồng”, dễ dẫn đến làm hư con.
Có cậu con trai mới học hết lớp 7 nhưng suốt ngày chỉ mê game bỏ bê học hành, thỉnh thoảng còn trộm cắp vài thứ trong nhà đem bán, anh H liền trói con vào góc nhà, đánh một trận tơi bời. Thế nhưng, chứng nào vẫn tật ấy, cậu con của anh H vẫn tiếp tục lấy trộm từ bao gạo cho đến đem gà đi bán giá rẻ để lấy tiền chơi game. Chẳng biết làm sao, anh H liền trói con vào một góc nhà dưới sự kiểm soát của gia đình.
Biết chuyện, nhiều người bảo: Con cái còn nhỏ mà hư hỏng vậy phải đánh cho một trận nên thân may ra mới chừa được. Không đánh, không nhốt lại như vậy, hết trộm trong nhà rồi lại chuyển sang trộm nhà hàng xóm thôi. Nhưng cũng có người bảo: Anh H làm vậy là bạo hành trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.
|
Còn người trong cuộc, anh H lại than thở: Vợ chồng anh cũng nặng có, nhẹ có rồi nhưng cháu vẫn không thay đổi nên mới dùng đến hạ sách đó. Cô nghĩ, bạo hành trẻ em gì khi mà con mình đẻ ra thì mình có quyền áp dụng cách dạy dỗ chứ. Đánh đập vậy là để dạy dỗ, phải răn đe dần nếu không càng lớn càng hư hỏng, coi như mất con còn gì.
Mặc dù bản thân anh H cũng như không ít trường hợp các bậc làm cha, làm mẹ khác không tự nhận mình vi phạm quyền trẻ em và chỉ là “dạy con” nhưng chính họ vô tình lại vi phạm Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, trong đó hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình (Điều 52) quy định rõ, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Như vậy xem ra, ranh giới giữa bạo lực trẻ em (sự trừng phạt) với quan điểm “thương cho roi cho vọt” (yêu thương) lại khá mơ hồ. Cũng vì vin vào có thương thì mới cho roi, cho vọt nên phần lớn các bậc phụ huynh đều cho rằng: con tôi mang nặng đẻ đau, thiếu vâng lời, hư hỏng, không đánh thì để mất con à. Vậy là, con không vâng lời, bạt tai; con hư, đuổi ra khỏi nhà; con học kém, la mắng, sỉ nhục, đánh đập... đã trở thành chuyện thường ngày của mỗi nhà. Xem như việc phải làm của mỗi gia đình, nên cái bạt tai, quát mắng, đánh đập, sỉ nhục... con cái cũng chẳng mấy ai quan tâm, vì nhà mình cũng thế, mình cũng “dạy” con mình như thế và cũng vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Ngay cả con cái, dù có bị đánh đập cũng không lấy đó để tức giận mẹ cha. Chị bạn tôi có cậu con trai hiếu động, chân tay suốt ngày phá phách, học hành không tập trung nên hay bị cô giáo, phụ huynh cùng lớp với con “bán vốn”. Giận con, chị đánh, kết thúc trận đánh rồi lại quay sang hỏi: Mẹ đánh, con có giận mẹ không. Cậu con thật thà: Con không giận mẹ. Mẹ đánh vì con hư, vì mẹ muốn con tiến bộ hơn thôi.
|
Thực tế cho thấy với không ít bậc phụ huynh ranh giới giữa cái gọi là bạo lực hay không bạo lực trở nên mơ hồ, thậm chí còn lạm dụng. Vì thế, không ít các bậc làm cha, làm mẹ đánh đòn con cái như cơm bữa, đánh đến gây thương tích mà không biết đó cũng là một hình thức bạo hành với trẻ, vi phạm quyền của con trẻ. Và càng nguy hiểm hơn khi những người vốn hiểu biết pháp luật, nhân quyền hạn hẹp lại làm nghề bảo mẫu thì tình trạng bạo hành với trẻ là khó tránh khỏi, như một số vụ việc đã xảy ra trong thời gian gần đây ở một số địa phương.
Cuộc sống hiện đại ngày nay đầy rẫy cạm bẫy dễ khiến con trẻ sa đà, nếu không kịp thời nhắc nhở, uốn nắn lâu dần dẫn đến hư hỏng, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật và cha mẹ buộc phải áp dụng biện pháp roi vọt như gia đình anh H không phải là chuyện hiếm. Từ đây, xảy ra hai chiều hướng, đó là có bậc phụ huynh theo sát con cái, nghiêm khắc, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, động viên và cả áp dụng biện pháp roi vọt đã giúp con cái nhận ra những lỗi lầm và có sự chuyển biến, thay đổi theo chiều hướng tốt lên; nhưng cũng có những trường hợp vì quá quen với roi vọt, có những trẻ càng trở nên lì đòn, nổi loạn và thậm chí có xu hướng xấu hơn trước.
Làm cha, làm mẹ ai cũng luôn dành tình yêu thương, mong muốn con cái mình ngày càng tiến bộ. Khi nào cho ngọt cho bùi, khi nào cho roi cho vọt vẫn luôn là nỗi niềm của các bậc làm cha, làm mẹ. Cũng khó mà có một công thức chung cho giáo dục mọi đứa trẻ và mọi hoàn cảnh. Điều quan trọng hơn cả là cần phân biệt rõ trừng phạt đi cùng những hành vi bạo hành trẻ em với những hành vi giáo dục con cái theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Và hơn cả, cha mẹ dẫu có bận rộn đến đâu, cũng nên dành thời gian quan tâm, làm bạn, chia sẻ cùng con và phải ân - uy song hành, lấy yêu thương làm điểm tựa để nuôi con, dạy con nên người.
Nguyên Phúc